Nguyên phi Ỷ Lan

Sử chép rằng vua Lý Thánh Tông đã ngoài 40 tuổi nhưng chưa sinh được hoàng tử, lấy làm lo lắng lắm, bèn đi cầu tự ở khắp nơi. Lần ấy, vua về thăm chùa ở Thổ Lỗi (nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Nghe tin vua đến, dân làng nô nức ra đón chào, duy chỉ có một cô thôn nữ ngồi dựa cây lan mà hát. Vua thấy lạ, liền đón về cung, lúc đầu cho làm cung nhân, sau phong dần lên đến nguyên phi. Nhà vua lấy ngay hình ảnh cô thôn nữ dựa cây lan – kỉ niệm của lần đầu gặp gỡ – đặt tên hiệu cho bà là nguyên phi Ỷ Lan.

Hoàng đế Lý Thánh Tông đúng là người có con mắt tinh tường. Ỷ Lan không chỉ là cô gái đẹp mà còn là người tài hoa sắc sảo và rất có bản lĩnh. Bà hoàng có nguồn gốc dân dã ấy đã dành cho nhà vua những bất ngờ lớn. Độc đáo hơn cả là sự kiện năm Kỉ Dậu (1069). Bấy giờ, vua đích thân cầm quân đi đánh trận. Trước khi đi, vua tin cẩn trao quyền điều hành triều đình cho nguyên phi Ỷ Lan, nghĩa là gần như cho bà làm vua khi vua vắng mặt. Lý Thánh Tông đánh mãi không thắng, bèn rút quân về. Nào ngờ dọc đường về, đâu đâu cũng nghe quan lại và nhân dân ca ngợi nguyên phi có tài trị nước, nhà vua lấy làm hổ thẹn, nói:

– Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi há chẳng làm được việc lớn hay sao?

Nói rồi quyết chí cho quân quay lại đánh nữa, và lần ấy nhà vua giành đại thắng.

Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử Càn Đức. Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, thái tử Càn Đức lên ngôi, đó là Lý Nhân Tông. Nguyên phi Ỷ Lan được tôn phong làm thái phi, rồi thái hậu.

Ở địa vị tột đỉnh, Ỷ Lan vẫn không quên cảnh ngộ của những người phụ nữ nghèo hèn. Vào năm Quý Mùi (1103), bà đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo bị bán đi ở đợ, đem họ gả cho những người đàn ông goá vợ để đổi đời cho họ.

Nhờ có thời trẻ sống chân lấm tay bùn ở nơi thôn dã, Ỷ Lan hiểu rõ nông dân cần gì, nông nghiệp cần gì và làm sao để thiên hạ có thể an cư lạc nghiệp. Nỗi lo ấy đã theo bà cho đến phút chót của cuộc đời. Sử sách còn ghi lại những lời bà nói chỉ mấy tháng trước khi qua đời: “Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người lấy việc trộm cắp trâu bò làm nghề sinh nhai, trăm họ cùng quẫn, đến nỗi mấy nhà phải cày chung một con trâu. Trước đây ta đã từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm, vậy mà nay giết trâu bò lại còn nhiều hơn.” Theo lời thái hậu, vua Lý Nhân Tông đã lệnh rằng: kẻ mổ trộm trâu bò phạt 80 trượng, láng giềng biết mà không tố cáo củng bị phạt 80 trượng.

Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), Ỷ Lan qua đời, thọ 70 tuổi. Bà đã làm sáng danh phụ nữ nước nhà.

Xem thêm