Sử dụng mĩ phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Lịch sử sử dụng mĩ phẩm đã có từ rất lâu đời. Thế kỉ V trước Công nguyên, nhiều nghi thức tôn giáo đã dùng kem thơm để bôi người, thậm chí dùng nó để bảo vệ thi thể. Trước Công nguyên 300 năm, các hiệu cắt tóc ở La Mã - Italia đã biết dùng nước hoa. Trung Quốc là nước văn minh cổ đại, việc sử dụng mĩ phẩm cũng đã có lịch sử lâu đời. Trong sách Hán thư cổ đã ghi lại người phụ nữ biết vẽ lông mày. Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và mức sống con người ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về mĩ phẩm không ngừng tăng lên, chủng loại cũng ngày càng nhiều.
Nhưng nếu lựa chọn không thích hợp hoặc sử dụng không đúng thì mĩ phẩm cũng sẽ có tác dụng phụ không thể lường được đối với cơ thể. Mĩ phẩm có mùi thơm đều là những chất hoá học nhân tạo, chúng có thể che lấp những vết nám trên da, khuếch tán mùi thơm, nhưng cũng có thể làm cho da viêm nhiễm hoặc có phản ứng nhạy cảm. Cho dù một số mĩ phẩm nguồn nguyên liệu chủ yếu là các chất hữu cơ động, thực vật thì cũng vẫn có hại, vì những nguyên liệu này chứa những chất dinh dưỡng như cacbon, nitơ là những chất mà vi sinh vật sinh trưởng cần thiết. Mĩ phẩm dùng những nguyên liệu này chế tạo nên sẽ trở thành cái nền để cho các vi sinh vật phát triển. Những năm gần đây trong mĩ phẩm còn tăng thêm các chất dinh dưỡng như bột ngọc trai, nhân sâm, sữa ong chúa, v.v... càng làm tăng thêm cơ hội ô nhiễm sinh vật. Một số nhà máy do điều kiện sản xuất kém, mĩ phẩm sản xuất với quy trình không nghiêm ngặt, quản lí vệ sinh lỏng lẻo và nguyên liệu không đủ sạch, hoặc các chất đề phòng biến chất sử dụng không thích hợp, nên hoá phẩm họ sản xuất ra rất dễ trở thành môi trường cho các loài vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở. Ví dụ, kem sữa, kem ngọc trai dễ sản sinh loài cầu khuẩn màu nho; kem nhân sâm cũng dễ làm cho loài men khuẩn màu vàng sinh trưởng; lăn nách, son môi dễ chứa khuẩn que bạch hầu, v.v.. Sử dụng những loại mĩ phẩm có lẫn vi khuẩn này không những không đạt được hiệu quả làm đẹp mà còn có hại cho cơ thể.
Khi sử dụng mĩ phẩm, để ngăn ngừa vi sinh vật lẫn vào trong đó, trước khi sử dụng nên rửa tay và mặt sạch sẽ. Nếu phát hiện mĩ phẩm đã bị lên men, hoặc màu sắc đã biến đổi, hương vị đã biến chất thì không nên sử dụng, bởi vì đó là dấu hiệu mĩ phẩm đã bị vi sinh vật làm cho biến chất.
Kĩ thuật sinh học hiện đại có thể khiến cho mĩ phẩm có màu tươi đẹp, con người đã dần dần không sản xuất những mĩ phẩm dùng các chất hoá học và các chất dinh dưỡng làm nguyên liệu. Một cuộc cách mạng dùng nguyên liệu thực vật tự nhiên để sản xuất mĩ phẩm đang hiện ra. Người ta nghiên cứu phát hiện thấy nhiều thực vật tự nhiên không những là chất để sản xuất mĩ phẩm có chất lượng tốt mà cũng là những chất để làm chậm sự lão hoá của da. Những người có hiểu biết đều đưa ra ý kiến: làm đẹp + bảo vệ sức khoẻ = mĩ phẩm tương lai.
Từ khoá: Mĩ phẩm; Ô nhiễm vi sinh vật.