Tại sao có thể trồng hoa cỏ trên bê tông?
Bêtông là một loại vật liệu xây dựng hết sức cứng mà hoa cỏ chỉ mọc ở nơi đất bùn, trong quan niệm thông thường của mọi người thì bê tông và hoa "không có chút gì liên quan với nhau cả".
Thế nhưng, những điều thường thức cũng có lúc có thể thay đổi. Các kiến trúc hiện đại phần lớn làm bằng bê tông, dù là đê điều hay nhà cao tầng, quảng trường, trên mặt bê tông trống trơn, không có lấy một cành cây một ngọn cỏ, thật là đơn điệu khó coi, hay là ta hãy làm thêm mảnh đất có cây xanh để bù vào. Để giải quyết mâu thuẫn đó, một loại bê tông có thể trồng cây đã ra đời, gọi là "bê tông thảm thực vật". Nó do Viện nghiên cứu công trình xây dựng thành phố Bắc Kinh thí nghiệm thành công. Loại bê tông thảm thực vật này đã cung cấp một cơ sở vật chất tốt đẹp đối với việc mở rộng phạm vi trồng cây xanh cho thành phố, ngăn ngừa đất màu bị trôi, bảo vệ đê điều, ngăn cản sự xâm thực của gió cát, điều tiết tiểu khí hậu của thành phố v.v.
Hiện nay trên bê tông thảm thực vật chỉ có thể trồng các cây hoa cỏ tương đối nhỏ. Trong chiều dày nhất định ở bề mặt của bê tông, các lỗ rỗng bê tông tương đối lớn, tỷ lệ các lỗ chừng 25-30% trở lên, các cây cỏ có chiều dài bộ rễ 30 cm trở xuống có thể mọc được. Mặt khác, lớp bê tông này dùng các hạt đá dăm có đường kính 25 mm làm cốt liệu, do đó vẫn có một cường độ nhất định.
Quá trình sử dụng bê tông thảm thực vật như sau: Trên bề mặt bê tông người ta phủ một lớp chất môi giới vun bón, dày khoảng 1-2,5 cm do đất tro cỏ và đất thường trộn lẫn với nhau theo một tỷ lệ nhất định, chất dinh dưỡng và các hạt giống hoa cỏ đang trong giai đoạn nảy mầm được rắc trong lớp chất môi giới đó. Ở trong các lỗ rỗng của lớp bê tông, còn cần phải độn thêm đất tro cỏ để tích trữ một lượng nước và chất dinh dưỡng nhất định, như vậy có lợi cho bộ rễ của các cây con sinh trưởng và bắt rễ, sau khi bộ rễ trưởng thành, cây mọc bình thường thì bê tông có hoa cỏ mọc ở lớp trên đó có thể dùng trong xây dựng, không ảnh hưởng gì đến kiến trúc mà lại có thể làm xanh môi trường.