Tiếng bom Sa Diện
Thời Pháp thuộc, bọn thực dân và phong kiến áp bức, bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Già, trẻ, trai, gái hết thảy đều căm ghét chúng. Nhiều thanh niên ưu tú không cam tâm làm nô lệ đã tìm đường ra nước ngoài học tập và làm cách mạng. Trong số hoạt động ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có các đồng chí Phạm Hồng Thái và Lê Tán Anh.
Năm 1924, toàn quyền Đông Dương [1] Martial Merlin sang Nhật họp bàn bí mật về vấn đề Đông Dương. Hành trình của hắn được giữ kín. Việc phòng vệ cho hắn hết sức nghiêm ngặt. Những nơi hắn ghé qua, nghỉ lại, bọn mật thám được bố trí dày đăc…
Thế nhưng, tin ấy vẫn đến tai các chiến sĩ cách mạng ta. Phạm Hồng Thái bàn với Lê Tán Anh mưu kế tiêu diệt tên thực dân đầu sỏ ấy để trả thù cho đồng bào và gây thanh thế cho đoàn thể cách mạng thời bấy giờ. Một mặt, họ tìm cách bịt tai, che mắt bọn mật thám đánh hơi, rình bóng chung quanh; mặt khác họ lo chuẩn bị vũ khí và kế hoạch hành động. Vũ khí mà họ sắm được là hai quả lựu đạn điện kiểu mới để gọn trong một chiếc cặp da mà bọn người Tây thường xách và hai khẩu súng lục loại tốt.
Theo tin nhận được thì trên đường từ Nhật Bản về, Merlin đi tàu binh, có ghé qua Quảng Đông.
Phạm Hồng Thái thuê một chiếc thuyền con chực sẵn ở bến tàu, định lúc Merlin bước lên bờ thì ném tạc đạn [2]. Nhưng khi tàu Pháp đến thì cảnh sát trưởng Quảng Đông đã lệnh cho tất cả ghe thuyền lớn nhỏ đều phải tránh xa, không được bén mảng vào khu vực cấm. Tàu vừa ghé bến, Merlin lên ô tô đi ngay. Thế là kế hoạch của Phạm Hồng Thái không thực hiện được!
Lập tức Phạm Hồng Thái vào khác sạn Victoria định thuê một phòng trên lầu, chờ Merlin đến dự tiệc thì ném tạc đạn vào đầu hắn. Nhưng hôm đó, khách sạn canh phòng nghiêm ngặt, không thuê được. Vì vậy kế hoạch lần này cũng hỏng.
Nhưng thời co vẫn đang còn. Đúng 6 giờ chiều, bọn lãnh sự [3] và kiều dân Pháp lũ lượt kéo đến một tửu điếm [4] Pháp ở Sa Diện [5] mở tiệc chào mừng thành công của Merlin trong chuyến đi Nhật Bản.
6 giờ 40 phút, xe Merlin vào. Người trong tửu điếm ùa ra đón rước. Một thanh niên khôi ngô, nước da trắng hồng, môi trên có hàng ria mép kiểu tây, bận đồ tây, tay xách cái cặp da kiểu tây đường hoàng từ ngoài cửa đi thẳng vào trong. Cách ăn mặc, đi đứng của anh hệt như Tây nên cảnh binh Pháp không chút ngờ vực.
Đồng hồ điểm 7 giờ. Dao, thìa, nĩa bắt đầu lanh canh trên bàn tiệc thì bỗng một tia lửa điện lóe ra. Một tiếng nổ “đùng” dậy đất. Ngối gạch từ lầu cao đổ xuống rào rào. Bọn Pháp khiếp đảm, đứa chui xuống gầm bàn, đứa lăn đùng ra nền nhà, đứa bổ nhào ra các cửa. Năm tên chết tại chỗ, trong đó có lãnh sự và giám đốc ngân hàng Pháp. Nhiều tên bị thương nặng.
Nghe tạc đạn nổ, cảnh binh Anh, Pháp, lính thủy trên tàu đổ ra lùng sục tứ tung. Bị đuổi gấp và quyết không để sa vào tay giặc, Phạm Hồng Thái rút súng lục nhè vào cảnh binh bắn hai phát, rồi gieo mình xuống sông Châu Giang.
Merlin thoát chết. Nhưng tiếng bom Sa Diện đã làm cho bọn thực dân Pháp mất vía và gây một tiếng vang lớn về phong trào chống Pháp của nhân dân ta thời bấy giờ.
Phạm Hồng Thái (1895/1896 – 1924), tên khai sinh là Phạm Thành Khôi, tên thật là Phạm Thành Tích, quê ở Nghệ An, là một nhà hoạt động trong Phong trào Đông Du.
Năm 1924, sau khi đặt bom ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Merlin không thành công, ông đã gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử khi chỉ mới 28 tuổi. Ông được người Trung Quốc an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu.
[1] Toàn quyền Đông Dương: trước 1945, ba nước Việt Nam, Lào, Capuchia bị thực dân Pháp cai trị. Người đứng đầu chính quyền thực dân Pháp tại ba nước này thời bấy giờ là toàn quyền Đồng Dương.
[2] Tạc đạn: vũ khí giết người bằng sức nổ (mìn, lựu đạn, bom,…).
[3] Lãnh sự: chức vụ của cán bộ ngoại giao, dưới đại sứ, phụ trách việc bảo hộ kiều dân, tài sản nước mình ở nước ngoài.
[4] Tửu điếm: quán rượu – Đây là một khách sạn.
[5] Sa Diện: địa điểm thuộc khu vực chiếm đóng của đế quốc Anh ở Quảng Đông (Trung Quốc).