Vì sao dùng các tính toán toán học có thể thay thế cho diễn tập quân sự?
Chúng ta biết dùng toán học có thể mô phỏng nhiều hiện tượng trong đời sống. Thế nhưng liệu có thể dùng toán học để mô phỏng chiến tranh không?
Đánh cờ tướng là hình thức mô phỏng chiến tranh sớm nhất. Không kể là môn cờ tướng hay môn cờ vua (cờ quốc tế) người chơi phải sử dụng các quân cờ đại diện cho vua, tướng, xe, mã, tốt và tiến hành các cuộc truy sát các quân cờ trên bàn cờ. Vào năm 1996, ở Mỹ người ta đã dùng máy tính cỡ lớn giành vô địch cờ vua thế giới. Như vậy máy tính đã dựa vào quy luật “chiến tranh” trong môn cờ vua đã giành phần thắng trong cuộc đấu cờ với người.
Một kiểu mô phỏng các hoạt động quân sự thường dùng là “diễn tập” thế nhưng việc dùng người thật, súng thật trong diễn tập phải tiêu tốn nhiều tài lực, nhân lực mà cũng chỉ là làm giả, không thể để xảy ra “thương vong” thật.
Vào những năm 70 của thế kỉ XV, trong cuộc chiến tranh Đức - Phổ, người ta đã dùng sa bàn để mô phỏng. Sa bàn chỉ là để cung cấp địa hình, bối cảnh và việc bố trí binh lực của đôi bên tham chiến. Các chỉ huy của đôi bên có thể thảo luận dựa vào mô hình mà không thể có “quá trình chiến tranh” thực. Không có cách nào để thể hiện các thương vong, các hư hao về vũ khí cũng như các biến đổi trên chiến trường. Từ lâu các nhà quân sự hi vọng có thể có mô hình chiến trường một kiểu “phòng thực nghiệm quân sự”. Từ năm 1950 trở về sau, việc dùng máy tính mô phỏng các hoạt động quân sự đã biến hi vọng thành hiện thực.
Các bước mô phỏng chiến tranh được thực hiện theo các bước:
1. Các nhà quân sự chế định kế hoạch chiến đấu, các nhà toán học dựa vào đó tạo thành các mô hình.
2. Dựa vào các số liệu: số người, vũ khí, đạn dược hậu cần.
3. Theo hiệu lệnh chỉ huy của đôi bên tiến hành điều khiển, tính toán quan sát các kết quả tính toán.
4. Phân tích các kết quả, đưa ra các ý kiến cải tiến.
Nhiều bạn nhỏ đã chơi trò “đánh trận” trên máy tính. Cách soạn thảo các phần mềm các trò chơi này có phần nào giống với các mô phỏng quân sự.
Vào năm 1944, Norman và Oramey trong khi thiết kế bom nguyên tử đã lợi dụng máy tính để mô phỏng cách gây tán xạ các nơtron, mở đầu cho việc dùng máy tính điện tử trong kĩ thuật mô phỏng trong các nghiên cứu quân sự. Mọi người đều biết ngày nay các vụ thử bom hạt nhân đã bị cấm trên toàn thế giới, nên muốn tiến hành nghiên cứu, phân tích vũ khí nguyên tử người ta chỉ có cách dùng máy tính điện tử. Hiện nay, từ việc thiết kế ô tô, đến việc phóng tên lửa, từ việc luyện thép cho đến việc điều tra phân tích môi trường đều có thể dùng máy tính để mô phỏng thay cho một phần công tác thực nghiệm. Ngày nay việc dùng các máy tính để thiết kế các loại máy bay siêu tốc, siêu nặng đã giảm bớt thời gian, chu kì nghiên cứu. Kĩ thuật tính toán, lí thuyết chỉ đạo và thực nghiệm khoa học đã trở thành ba loại phương pháp khoa học trong nghiên cứu khoa học.