Vì sao nói đảo Hải Nam vốn liền với đại lục?
Hải Nam là đảo lớn thứ hai của Trung Quốc. Nó nằm trên nền lục địa phía bắc biển Đông, bờ bắc cách eo biển Quỳnh Châu và nhìn sang bán đảo Lôi Châu trên lục địa. Eo biển Quỳnh Châu sâu 60 m, bình quân rộng 20 km, chỗ hẹp nhất chỉ có 18 km. Vì đảo Hải Nam gần với lục địa, trên đảo thế núi bàng bạc, cho nên khi trời trong sáng, đứng trên bờ phía nam bán đảo Lôi Châu nhìn ra biển ta thấy đảo Hải Nam lúc ẩn, lúc hiện. Theo khảo sát địa mạo của các nhà địa chất, đảo Hải Nam mà ngày nay nước biển bao bọc chung quanh trước đây đã từng là một phần của lục địa. Đo đạc vật lý Trái Đất chứng tỏ eo biển Quỳnh Châu có thể là một dải đất bị sụt xuống, đảo Hải Nam chính vì sự sụt xuống này của eo biển Quỳnh Châu mà tách khỏi lục địa.
Nguyên đảo Hải Nam nối liền với lục địa, núi Câu Lậu phía nam tỉnh Quảng Tây hồi đó kéo dài đến tận đảo Hải Nam, nối liền với núi năm ngón tay. Phía bắc đảo Hải Nam có một mảnh cao nguyên có cấu tạo bằng đá huyền vũ, phía nam bán đảo Lôi Châu cũng có loại đá này. Chúng là do trước khi đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu tách ra, đá huyền vũ của núi lửa phun ra bao phủ mặt đất mà thành.
Vậy đảo Hải Nam tách khỏi lục địa khi nào? Ta có thể căn cứ vào sự tiến hoá của giới sinh vật để tìm căn cứ. Trong "Hán thư - Địa lý chí" có ghi "Hải Nam vô hổ", "có gấu". Trên thực tế, cho đến ngày nay ở đảo Hải Nam chưa từng phát hiện có hổ. Còn ở bán đảo Lôi Châu gần với đảo Hải Nam trong lịch sử đã có nhiều ghi chép về các sự kiện hổ làm người bị thương. Điều đó giúp ta nghiên cứu thời gian đảo Hải Nam tách khỏi lục địa vào khi nào là một gợi ý rất quan trọng. Từ tiến hoá sinh vật mà xét, gấu xuất hiện sớm hơn hổ. Hổ xuất hiện có thể cách đây 50 vạn năm về trước. Có thể nghĩ rằng đảo Hải Nam tách khỏi lục địa là sau khi xuất hiện gấu, trước khi xuất hiện hổ. Vì vỏ Trái Đất sụt xuống hình thành eo biển Quỳnh Châu, khiến cho về sau trên lục địa xuất hiện hổ, chúng không thể vượt qua eo biển để đến với đảo Hải Nam được.
Đảo Hải Nam nằm gần đại lục, nguyên là một phần của đại lục, về sau vì vỏ Trái Đất sụt xuống, nước biển tràn vào làm cho đảo tách khỏi lục địa. Mối quan hệ của nó với lục địa rất khăng khít. Cấu tạo địa chất và hình thái địa mạo của đảo tương tự với lục địa gần đó. Loại đảo này gọi chung là "Đảo lục địa". Nhiều đảo Trung Quốc thuộc loại đảo lục địa, chủ yếu phân bố ở những tỉnh có núi, gò đồi gần biển như Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Trung Quốc có hơn 3.000 đảo duyên hải thuộc loại này. Đảo Đài Loan có diện tích lớn nhất Trung Quốc cũng là đảo lục địa.