Vì sao phải bảo vệ cây đước?

Ở ngõ Môlô huyện Hợp Phố, tỉnh Quảng Tây có một bờ đê xây dựng từ năm 1907, nằm trên bờ biển Nam Hải để chống đỡ sự phá hoại của sóng biển. Gần 100 năm qua, bờ đê này vẫn đứng vững, bảo vệ cho hơn 3.000 mẫu ruộng ở phía trong. Khi người ta ca ngợi con đê này thì đồng thời ca ngợi luôn 1.200 mẫu rừng đước phía ngoài đê, vì rừng đước chính là màn chắn bảo vệ tốt nhất cho con đê.

Rừng đước là loại rừng nhiệt đới xanh quanh năm chịu được nước biển, là hệ thống sinh thái rừng rất độc đáo. Đước là loài cây gỗ màu đỏ cho nên gọi là cây gỗ đỏ. Quả đước bề ngoài giống như quả đậu nành, treo lủng lẳng trên cành, hạt nảy mầm từ trên quả, khi chín thì rơi xuống trong nước biển, bám chặt bùn như là mỏ neo của con tàu, mấy giờ sau thì cây nhú lên. Có lúc mầm cây gặp thủy triều, bị nước biển cuốn trôi, chờ khi nước rút mới mọc rễ trong bùn và lớn lên. Đông qua xuân lại cứ thế năm này qua năm khác, cây đước dựa vào phương thức thần kì này dần dần mọc lên thành rừng đước rất vững chãi.

Bãi biển sóng lớn, độ muối cao, thiếu oxi, nhưng đước là loài cây rất thích hợp với môi trường này. Chúng có những bộ rễ cái và các rễ phụ đan ngang dọc nhau, cùng với tán cây rậm rạp làm thành một bức tường thành màu xanh trên biển, chống đỡ lại sóng lớn của vùng biển nhiệt đới, bảo vệ cả vùng đồng ruộng và vùng đê duyên hải, đồng thời còn cải thiện môi trường tự nhiên ở bãi biển và vùng duyên hải.

Từ vịnh Tây Bắc Quảng Tây đến miền duyên hải Phúc Kiến của Trung Quốc phân bố rải rác những cánh rừng đước khác nhau. Rễ đước giữ được bùn, khiến cho bờ biển dần dần biến thành lục địa. Rừng đước là môi trường cho các loài chim, các sinh vật sống dưới nước và vi sinh vật sinh sôi, nảy nở. Chúng cùng tạo thành một hệ thống sinh thái tươi tốt.

Rừng đước còn có giá trị kinh tế rất cao. Gỗ đước đặc chắc, làm nguyên liệu để sản xuất công cụ gia đình, nhạc cụ và dùng làm vật liệu xây dựng. Vỏ đước chứa nhiều tanin, chất này có thể chiết ra để chế tạo axit amin (C76H52O46), dùng làm chất thuộc da hoặc làm thuốc nhuộm. Lá của nó có thể làm phân xanh, rau nuôi gia súc, quả của nó có thể ăn, nhiều loại còn có thể dùng làm dược liệu rất giá trị.

Trung Quốc có khoảng 90 vạn mẫu rừng đước, chiếm 7,6% của rừng đước thế giới. Trước kia vì lấn biển tạo ruộng một cách mù quáng hoặc xây dựng các con đê làm ruộng muối, cộng thêm môi trường bị ô nhiễm cho nên nhiều cánh rừng đước bị phá hoại, dẫn đến lớp đất màu mỡ ở bãi biển bị sóng và thủy triều cuốn đi, khiến cho bãi biển đầy sức sống dần dần biến thành bãi cát cằn cỗi. Những ngư trường gần bờ cũng vì thế mà mất dần mồi nên sản lượng cá thấp dần. Cuối cùng dẫn đến sự cân bằng sinh thái của các vùng bờ biển bị phá hoại. Bảo vệ rừng đước tức là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta. Vì vậy những Hội nghị học thuật quốc tế về rừng đước đã được tổ chức. Các chuyên gia nghiên cứu về đước của Trung Quốc năm 1980 lần đầu tiên đã tham gia Hội nghị học thuật rừng đước quốc tế lần thứ 2.

Từ khoá: Rừng đước.

Xem thêm