Vì sao trong biển có một số đảo lúc chìm, lúc nổi?
Có một vị thuyền trưởng đi trong Địa Trung Hải. Khi ông ta đi qua phía nam đảo Sisili, nhìn thấy mặt biển có một vùng nước sôi rộng lớn, sóng ùn lên, hơi nước bao phủ, sau đó còn phát ra âm thanh như sấm ngầm, cột khói dâng lên cao, từ xa cũng nhìn thấy, đêm đến trông càng sáng rõ hơn. Về sau lại tiếp tục xuất hiện hiện tượng kỳ lạ, một tuần sau thuyền trưởng đi qua đó, phát hiện trên biển đã nổi lên hòn đảo cao khỏi mặt nước mấy mét. Qua một tuần nữa khi một nhà địa chất đến đây để khảo sát thì phát hiện đảo đã cao hơn nước biển 20 m. Ba tuần lễ sau hòn đảo nhỏ này cao hơn mặt nước khoảng 60 m, chu vi đảo khoảng một hải lý.
Điều kỳ lạ là hòn đảo mới được hình thành này cũng mất đi rất nhanh. Nửa năm sau trên mặt nước biển người ta không nhìn thấy nó nữa. Nhưng sự việc chưa kết thúc ở đó, về sau nó lại xuất hiện và mất đi nhiều lần.
Trong biển khơi loại đảo lúc chìm, lúc nổi này không phải là hiện tượng cá biệt. Ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Lý Hải đều từng phát hiện loại đảo như thế.
Vì sao có loại đảo lúc chìm, lúc nổi? Nguyên nhân rất phức tạp, ngày nay xem ra sự xuất hiện của chúng phần nhiều là do núi lửa gây nên. Hòn đảo nói trên đây là kết quả hoạt động của núi lửa dưới nước. Núi lửa phun ra một lượng lớn các chất tro và dung nham, ngày càng chất cao dưới đáy biển, kết quả dần dần cao quá mặt nước, có lúc tốc độ chất cao rất nhanh. Khi núi lửa dưới nước gần quần đảo Xuyê ở Trung Á gần Bắc Đại Tây Dương hoạt động 24 giờ đã hình thành một đảo nhỏ cao hơn mặt nước 30 m.
Núi lửa phun tương tự như hoạt động của núi lửa bùn, có lúc cũng hình thành những đảo nhỏ nhanh chóng. Núi lửa bùn là do chất khí dưới đất phun ra khỏi mặt đất mà thành. Những chất khí này đẩy chất nước dưới đất qua những tầng đất mềm yếu, khiến cho bùn lẫn nước phun ra, bùn cát gần miệng núi lửa chất thành đồi núi hình chóp tròn. Nếu những hoạt động này phát sinh dưới biển sẽ hình thành những đảo nhỏ.
Vậy vì sao những đảo này sau một thời gian lại mất đi? Có người cho rằng: đó là vì đảo bị sóng biển bào mòn. Cần phải biết rằng, sức sóng biển rất mạnh, có thể khiến cho diện tích một mét vuông bờ biển chịu một áp lực mấy vạn New tơn. Ở Bắc Âu có một đảo, năm 1072 có diện tích khoảng 900 km2. Nhưng do ảnh hưởng bào mòn của sóng biển, ngày nay chỉ còn lại một dải đá hẹp. Qua đó có thể thấy khi núi lửa tạm ngừng hoạt động, đảo nhỏ không được bổ sung để mở rộng thì sóng biển sẽ dần dần bào mòn. Chờ đến núi lửa hoạt động trở lại đảo mới xuất hiện.
Nhưng có một số đảo bị mất đi là do những nguyên nhân khác. Ví dụ như động đất, một phần nào đó của Trái Đất bị đứt gãy, chìm xuống, lúc đó trong một thời gian ngắn, đảo bị nước biển nhấn chìm.