Giáo sư Lương Định Của - Nhà bác học của đồng ruộng

Tốt nghiệp bác sĩ nông học [1] tại Nhật Bản, bác Lương Định Của được bổ nhiệm làm giáo sư giảng dạy ở trường đại học Ki-ô-đô (ở Nhật) với tiện nghi của một cuộc sống đầy đủ thỏa mãn. Nhưng bác Của đã từ bỏ mọi địa vị giàu sang phú quý ấy để trở về với Tổ quốc Việt Nam muôn phần quý yêu. Bác đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Sau đây là một trong những mẩu chuyện hồi bác Của làm Viện trưởng Viện cây lương thực đóng ở huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương.

Hôm đó, một đồng chí cán bộ ở Trung ương đi kiểm tra tình hình nông nghiệp của một số hợp tác xã thuộc tỉnh Hải Dương. Bác Của đi cùng với đồng chí cán bộ cấp cao ấy. Ô tô đang chạy bỗng bác Của nhìn chăm chú một đám người khá đông đang cấy trên mấy thửa ruộng gần đó. Bác Của phát hiện ngay thấy họ cấy nghiêng ngửa, không thẳng hàng thẳng lối; mật độ [2] cấy không đảm bảo, chỗ dày, chỗ thưa. Họ lại cấy theo lối cũ, nghĩa là vặn tay giúi cây mạ sâu xuống bùn. Còn bờ vũng bờ thừa thì làm quấy quá, không đắp hẳn hoi. Bác Của đề nghị cho xe dừng lại để bác xuống hỏi xem hợp tác xã này thuộc xã, huyện nào và góp ý cho họ.

Từ ô tô bước xuống, Bác Của đi tới nói chuyện với chị đội trưởng sản xuất. Sau khi góp ý việc đắp lại bờ vùng, bờ thừa cho đúng kỹ thuật, bác Của nói:

– Bà con nên cấy ngửa tay để rễ mạ ăn nông, cây lúa dễ phát triển. Lúc cấy, cần dăng dây cho thẳng hàng vì có cấy thẳng hàng thì sau này mới dùng được cào cỏ 64A [3] để làm cỏ sục bùn một cách nhanh chóng dễ dàng. Mà bờ vùng bờ thửa ở đây cũng cần đắp lại cho chu đáo. Phải đắp bờ thừa để giữ nước trong từng ruộng, đắp bờ vùng để điều khiển nước trong một vùng. Giải quyết được bờ thì thủy lợi sẽ ổn định, lúa sẽ không lo bị úng, bị hạn. Có thể nói làm ruộng không có bờ vùng, bờ thừa thì chẳng khác gì nấu cơm trong một cái nồi thủng đáy!

Nói đoạn, bác đi tới đống mạ để ở đầu bờ cầm một bó mạ lên, bác Của khẽ nhíu đôi lông mày tỏ vẻ không hài lòng và nói:

– Ta không nên dùng lạt tre để buộc mạ. Buộc lạt chắc mạ non hay bị gãy lưng thân, ảnh hưởng tới sữ phát triển. Bó mạ buộc bằng lạt lại thường to. Người cấy ôm bó mạ to nặng, phải tì vào đầu gối, ảnh hưởng đến kỹ thuật ra mạ và chóng mỏi lưng…

Vừa nói, bác Của vừa cúi xuống vơ một nắm rạ trên bờ ruộng. Bác thoăn thoắt buộc lại một lúc hơn mười bó mạ. Vẫn đứng trên bờ, bác ném những bó mạ vừa mới buộc xong ra ruộng. Động tác ném của bác thật thành thạo, chính xác. Những bó mạ cứ bay xa đến hơn mười mét mà vẫn không hề nát rối. Xong, bác tụt dép, xắn quần lên quá đầu gối và lội ra ruộng. Bác lội đến vũng mạ mới ném, miệng cười cởi mở và bằng một giọng thách vui, bác nói:

– Nào, ai cấy nhanh nhất xin mời đến đây cấy thử với tôi!

Mọi người dừng tay nhìn bác Của. Họ nhìn bằng con mắt vừa tò mò, vừa kinh ngạc. Thấy bác vui tính, đám nữ thanh niên hồ hởi nhận lời ngay. Họ đưa đến một cô mà họ cho là cấy giỏi nhất. Bác Của vui vẻ bảo cô gái:

– Nào, thử cấy xem kỹ thuật cũ thi với kỹ thuật mới, đằng nào thắng nghe! Xem thử ai cấy nhanh hơn.

Thế là cuộc thi cấy bất ngờ đó bắt đầu. Nhưng điều bất ngờ hơn là chẳng mấy chốc, bác Của đã bỏ xa cô gái hàng mấy thước. Chẳng những bỏ xa mà bác lại cấy rất đều và thẳng.

Bác Của bì bõm lội lên bờ, để lại đằng sau những lời trầm trồ thán phục của tất cả những xã viên có mặt trên đám ruộng quanh đó. Về sau, mỗi khi bác quay lại vùng này nói chuyện về kỹ thuật nông nghiệp, bà con xã viên kéo nhau đến nghe chật sân đình.

Bác Lương Định Của cho rằng muốn đưa những cái mới vào nông nghiệp thì người cán bộ kỹ thuật phải thông thạo mọi công việc đồng áng như một người nông dân. Có như vậy người ta mới tin những điều mình nói ra. Làm việc với các sinh viên, kỹ sư, ngoài sự chỉ bảo tận tình về chuyên môn, bao giờ bác Của cũng nhấn mạnh cần phải thông thạo việc đồng áng.

 

Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của sinh ngày 16/8/1920, là một người con ưu tú của làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú), tỉnh Sóc Trăng; Ông mất ngày 28/12/1975 tại Hà Nội. Tên tuổi của nhà bác học Lương Định Của gắn liền với những thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp nước nhà. Ông là trí thức lăn lộn trên đồng ruộng để tạo ra các giống lúa mới góp phần bảo đảm lương thực cho cuộc chiến đấu giành độc lập và tự do của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến thần thánh.


[1] Bác sĩ nông học: tương tự kỹ sự nông nghiệp ở Việt Nam. Thuật ngữ “bác sĩ” không chỉ dùng để chỉ người thầy thuốc tốt nghiệp trường đại học y khoa, mà còn dùng để chỉ những người tốt nghiệp đại học nhiều ngành khác.

[2] Mật độ: chỉ số nhiều hay ít trên một đơn vị diện tích đất trồng (độ thưa, dày, mỏng).

[3] Cào cỏ 64A: loại cào cỏ cải tiến có trục răng cào quay được, có chỗ để tì tay đẩy cào lui tới.

Chú chó Bấc

Bấc có một tình yêu cuồng nhiệt đối với ông chủ Giôn của mình. Giôn đã cứu sống nó. Hơn thế nữa, anh còn là một ông chủ lí tưởng. Anh chăm sóc Bấc như thể nó là con anh.

Anh hùng Kim Đồng

Anh hùng Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1928, dân tộc Nùng, tại bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi hy sinh, Kim Đồng là đội trưởng Đội Nhi đồng Cứu quốc...

Như thế nào là một ngày đẹp?

Châu Chấu nhảy lên gò, chìa cái lưng màu xanh ra phơi nắng. Nó búng chân tanh tách, cọ giũa đôi càng: Một ngày tuyệt đẹp!

Lá rụng

Sóc Ngân và Sóc Khôi là hai chú Sóc con sinh đôi. Chúng được sinh ra vào mùa xuân, trải qua mùa hè nóng nực, bây giờ chúng đang háo hức mong chờ mùa thu tới. Sóc con nghe mẹ nói rằng, khi nào lá cây rụng xuống tức là mùa thu đã tới...

Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước

Ở phố Ngõ Nghè (Hải Phòng) có một ông già mù cả hai mắt tên là Thuyết. Hồi còn trẻ, ông làm thủy thủ [1] trên nhiều tàu buôn nước ngoài, về sau ông làm công trong một hiệu ảnh bên Pháp.

Én con và chiếc lá

Mùa thu sắp qua đi. Mùa đông sắp đến. Trên một ngọn cây cao, Én con cứ rúc rúc đầu vào tổ rồi lại nhìn ra ngoài trời...

Bác mái mơ và đàn con

Bác Mái Mơ dẫn đàn con ra vườn kiếm ăn. Được ra vườn, đàn gà con túa ra khắp các bụi chuối, các khóm dong riềng, các gốc cây...

Khỉ con và Sư Tử

Sư tử là chúa tể trị vì trong khu rừng nọ. Nó nổi tiếng là có tính khí hung tợn, dữ dằn và thường đưa ra những yêu cầu rất kì quái cho những động vật khác, nếu ai không đáp ứng được thì nó sẽ nổi giận...

Con cú khôn ngoan

Ngày xửa ngày xưa, có một con cú già sống trên một cây sồi to. Mỗi ngày, nó đều phóng tầm mắt ra thật xa để quan sát những điều xảy ra xung quanh mình...