Những cậu bé đầu trọc

Gia-sếch được phân vào lớp tôi hồi tháng mười. Hôm đầu đến lớp, nó nhìn quanh lớp một lượt để tìm một chỗ chưa có ai ngồi. Thấy có một chỗ trống cạnh tôi, nó nở một nụ cười, đến bên tôi, hỏi một câu ngớ ngẩn:

– Xin lỗi bạn, đã có ai ngồi chưa?

– Tự cậu thấy đấy thôi – Tôi nhấm nhẳn.

Cả lớp nín thở nhìn về phía chúng tôi. Ai cũng tỏ vẻ cảm thông với Gia-sếch. Cậu ta chắc không biết rằng tôi là một học sinh cá biệt, khó dạy bảo. Với mái tóc bù xù dài chấm vai, tôi chuyên ngồi một mình một bàn ở hàng ghế cuối lớp.

Tôi học kém hầu như tất cả các môn. Các thầy cô đều báo trước rằng nếu không cố gắng tôi sẽ bị lưu ban. Tôi chẳng quan tâm. Nhưng Gia-sếch thì theo sát, giúp tôi từng li từng tí. Có lần, thậm chí cậu ta còn mời tôi về nhà chơi. Tất nhiên là tôi chẳng đến. Nhưng cũng sau lần ấy, bọn trong lớp tôi xem Gia-sếch là đứa thần kinh. Mời một thằng như tôi đến nhà chơi ư? Thật không thê nào hiểu nổi!

Rồi sau đây, bỗng nhiên Gia-sếch không đến lớp nữa. Qua mấy tiết học, vẫn chẳng thấy cậu ta đâu, tôi thấy mừng là hôm nay không bị ai quấy rầy. Hai ngày đầu tiên tôi mừng thực sự. Nhưng sau đó tự nhiên tôi thấy buồn. Giờ giải lao trở nên dài dằng dặc. Tôi thấy trống trải vô cùng.

Một tuần sau, cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp, thông báo với chúng tôi: bạn Gia-sếch bị ung thư phải nằm viện, không biết có qua khỏi hay không.

Cô giáo thông báo xong, tôi bàng hoàng, vớ lấy cặp, chạy ra khỏi lớp, không nói một lời nào. Tôi chạy vào nhà vệ sinh, đóng chặt cửa lại và bật khóc. Lâu lắm rồi, kể từ ngày mẹ tôi mất, lần đầu tiên tôi khóc.

Vào đầu tháng tư, Gia-sêch trở lại trường. Cậu ta chậm chạp bước vào lớp, gầy nhỏm gầy nhom, da mặt nhợt nhạt.

– Chào Tô-mếch! – Gia-sếch cười với tôi.

– Chúc mừng cậu! – Tôi cố nở một nụ cười ấm áp theo khả năng của mình.

Trong giờ ra chơi, chúng tôi đứng cạnh nhau bên cửa sổ. Gia-sếch thèm thuồng nhìn bọn con trai trong lớp nô đùa. Bảy đứa làm thành một vòng tròn, đứa thứ tám đứng giữa đang tìm mọi cách thoát ra khỏi vòng vây. cả bọn hò hét thích thú.

Gia-sếch bước lại phía bọn con trai đang chơi đúng lúc Vôi-tếch từ giữa vòng tròn thoát được ra ngoài. Nó bảo:

– Ê, Gia-sếch! Cậu muốn nhập bọn thì phải đứng vào trong vòng tròn.

Gia-sếch đi vào trong, khuôn mặt rạng rỡ, sung sướng vì được các bạn mời tham dự trò chơi. Đúng lúc ấy đã xảy ra một chuyện không bao giờ tôi có thể quên.

Bọn con trai vừa siết chặt vòng tròn, vừa hò hét động viên Gia-sếch phá vây. Loay hoay mãi Gia-sếch mới tìm được một kẽ hở để chui qua. Chỉ tí nữa thôi là Gia-sếch thoát được ra ngoài. Đúng lúc ấy, bộ tóc giả che cái đầu đã rụng hết tóc (do uống thuốc trị bệnh) của Gia-sếch rơi xuống.

– Chết cười mất thôi, chúng mày ơi! – Thằng Crư-sếch vừa hét toáng lên vừa vẫy vẫy bộ tóc giả của Gia-sếch – Té ra thằng này trọc đầu!

Cả bọn cùng phá lên cười. Xung quanh chúng, một đám đông những đứa tò mò làm thành một vòng tròn. Phần lớn bọn đến sau đều góp tiếng cười của mình. Gia-sếch mặt tái nhợt, nước mắt đầm đìa, tìm mọi cách lấy lại bộ tóc giả nhưng vô ích. Bộ tóc được ném từ tay đứa này sang tay đứa khác. Gia-sếch khốn khổ, sau mấy lần cố gắng không thành công, oà khóc, rồi ù té chạy ra khỏi trường.

Tôi lao vào thằng Crư-sếch, cho nó mấy quả đấm, giật lấy bộ tóc giả của Gia-sếch, chạy vội ra cổng trường. Tôi hi vọng đuổi kịp Gia-sếch, nhưng chạy mãi vẫn chẳng thấy tăm hơi cậu ta đâu.

Tôi không đủ can đảm đến thẳng nhà Gia-sếch. Cố gắng lắm tôi mới dám gọi điện thoại.

Gia-sếch bị khản đặc cả giọng. Cậu ta bảo sẽ không bao giờ đến trường nữa nên bộ tóc giả tôi có thể vứt đi.

– Được rồi – Tôi lấy hơi và phát biểu một bài hùng hồn chưa từng có – Cậu nói đúng, tớ sẽ vứt nó đi. Nhưng nhất định cậu phải đi học. Cậu không thể đầu hàng dễ dàng như vậy được. Sáng mai đúng tám giờ kém mười tớ sẽ chờ cậu trước cửa. Chúng ta cùng đến trường. Cậu nghe tớ nói chứ ?

Gia-sếch không trả lời. Tôi chỉ nghe thấy tiếng ống nghe bị đặt xuống, phát ra những tiếng khô khóc.

Tôi cảm thâỳ mình bất lực. Tôi muốn đánh đổi mọi thứ, cốt sao giúp được gì đó cho Gia-sếch, nhưng tôi chẳng có gì. Suốt một đêm gần như mất ngủ, mãi tới gần sáng, tôi chợt nghĩ ra một cách. Tôi bật dậy khỏi giường như một chiếc lò xo.

Sáng hôm sau, đúng tám giờ kém mười tôi đã đứng trước cửa nhà Gia-sếch. Tôi đặt chiếc ba lô của Gia-sếch xuống hành lang và bấm chuông. Trả lời tôi là sự yên lặng. Tôi lại bấm nữa. Mãi một lúc sau tôi mới nghe tiếng chân bước và tiếng hỏi yếu ớt từ sau cánh cửa:

– Ai đây?

– Chào cậu – Tôi nói giọng hồ hởi – Tám giờ kém sáu phút rồi. Cậu còn định rúc trong chăn đến bao giờ?

– Cậu đi một mình đi – Gia-sếch nói – Tớ không đi học đâu!

– Vậy thì cậu phải ra mà lấy ba lô của cậu chứ – Tôi hổi với giọng mỉa mai nhưng trong bụng thì run lắm. Nhỡ Gia-sếch không ra thì sao?

Im lặng một lúc lâu. Sau đó cửa hé mở. Gia-sếch không thèm nhìn tôi, chỉ cúi đầu cầm cái ba lô lên.

– Chào cu trọc – Tôi nói dằn từng tiếng.

Gia-sếch đứng thẳng người như bị ai đánh mạnh vào lưng. Lúc đó cậu ta mới nhìn tôi. Hai mắt cậu ta phát ra những tia tức giận chưa bao giờ có. Nhưng chỉ tích tắc sau, hai mắt Gia-sếch mở to ngạc nhiên, chằm chằm nhìn tôi, nhìn cái đầu trọc lốc của tôi, vẻ mặt cậu ta rạng rỡ. Mãi một lúc rồi cậu dịu dàng nói:

– Chào cu trọc! Chờ tớ ở đây mười giây được không? Tớ nói với mẹ là bọn mình đi học.

Hôm đó, chúng tôi đến lớp muộn. Hành lang trước cửa lớp vắng tanh. Chúng tôi đứng trước cửa lớp, ngập ngừng một lát rồi mới bước vào.

Cả lớp im phăng phắc, dồn mắt về phía chúng tôi.

– Chúng em xin lỗi cô! – Gia-sếch lên tiếng trước.

Đúng lúc ấy có tiếng cười khúc khích. Tôi nhận ra đó là tiếng cười của thằng Crư-sếch. Nhưng chẳng ai đồng tình với tiếng cười vô duyên của nó. Thậm chí, cô giáo còn nhìn nó bằng ánh mắt rất nghiêm khắc.

Cuối cùng, cô quay về phía chúng tôi:

– Ngồi vào chỗ đi các em.

Cô nói mấy từ ấy bằng một giọng thật êm ái.

Trong sự yên lặng hoàn toàn của các bạn, chúng tôi đi dọc theo lớp học để về chỗ của mình, cái đầu trọc ngẩng cao.

Ngày hôm sau trong lớp tôi có thêm ba bạn trọc đầu. Một tuần sau, cậu học trò duy nhát không cạo trọc đầu bị coi là lập dị. Chính tôi nghe các bạn bảo cậu ta: “Đúng là ma chứ không phải là người”.

Ra đi từ bến Nhà Rồng

Mười lăm tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành đã sớm biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của nhân dân. Lúc bấy giờ, anh đã có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào.

Bông lúa mì

Ngày xưa có hai chú chuột tên là Crúc và Véc sống chung với một chú Gà Trống. Một hôm Gà Trống quét sân thấy một bông lúa mì rơi trên mặt đất...

Lợn con giảm béo

Lợn con béo nhất trong số các con vật ở nông trại, chính vì thế mà nó hay bị các bạn trêu chọc nhất. Một hôm, Lợn con quyết định giảm béo bằng cách ăn kiêng...

Cái hố bên đường

Có một bầy thú nhỏ sống cùng nhau trong khu rừng nọ. Ngày ngày chúng thường đi trên một con đường nhỏ rồi băng qua một ngã tư có chốt đèn giao thông để tới trường.

Đêm giáng sinh cảm động

Như thường lệ,mỗi mùa giáng sinh, tôi đều nhận được quà từ anh trai của tôi. Giáng sinh năm ấy tôi cảm thấy vui nhất không phải chỉ vì món quà anh tôi tặng-một chiếc xe hơi mà vì tôi đã học được một bài học rất thú vị vào cái đêm đông lạnh lẽo ấy...

Gió lạnh đầu mùa

Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi.

Cái cây có cánh buồm đỏ

Trên một gò đất, sau mấy ngôi nhà tầng, có một cái cây to, lá xanh, tán xoè rộng. Bọn trẻ chúng tôi thường leo lên cái cây này.

Hãy để tiền vào chỗ cũ!

Pu-ghi có một người láng giềng rất hay sang nhà vay tiền.

Nàng tiên mưa

Hôm nay, Vịt con được mẹ cho ra sông tắm mát. Vịt con thích lắm. Những hạt nước bé xíu tinh nghịch rủ nhau trèo lên lưng, lên đầu Vịt con rồi lại lăn xuống mặt nước.