Bình nước và con cá vàng
I-ren Giô-li-ô Quy-ri sinh ra trong một gia đình khoa học. Mẹ bà là Ma-ri Quy-ri hai lần được Giải thưởng Nô-ben (1903, 1911). Bố của bà là Pi-e Quy-ri, được Giải thưởng Nô-ben năm 1903 cùng với vợ. Bản thân I-ren sau này cũng trở thành một nhà khoa học nổi tiếng của nước Pháp. Bà và chồng là Phrê-đơ-rích Giô-li-ô Quy-ri cùng được Giải thưởng Nô-ben năm 1935. Những thành tựu đó không phải ngẫu nhiên có được mà là kết quả của cả một quá trình rèn luyện từ thuở nhỏ.
Hồi đi học, I-ren đã có tính độc lập rất cao. Một lần, thầy giáo nêu cho lớp của I-ren câu hỏi:
– Nếu tôi thả một con cá vàng vào vại nước đầy, nước sẽ như thế nào ?
– Nước sẽ trào ra ! – Lũ trẻ đồng thanh đáp.
– Bây giờ tôi đem số nước trào ra đó đổ vào một chiếc cốc, sẽ thấy lượng nước đó nhỏ hơn thể tích con cá vàng. Vì sao lại như vậy ?
– Lạ nhỉ! Cũng có thể là cá vàng uống mất một ít nước ? Hoặc nước rớt ra ngoài cốc chăng ? – Lủ trẻ bàn tán rất hăng.
I-ren im lặng suy nghĩ. Ai cũng biết khi một vật bị dìm trong nước, nước sẽ dềnh lên đúng bằng thể tích của vật đó. Thế mà hôm nay thầy lại nói như vậy. Thầy là một nhà khoa học, chả lẽ lại nói sai ?
Về nhà, I-ren tự mình làm thí nghiệm. Cô bắt một con cá vàng thả vào cốc nước rồi quan sát. Kết quả, thể tích nước trào ra và thể tích con cá hoàn toàn như nhau.
Ngày hôm sau, I-ren kể lại thí nghiệm của mình cho thầy nghe.
Thầy giáo mỉm cười:
– Không phải nhà khoa học nói gì cũng đúng. Chỉ có sự thực mới đáng tin cậy. Ai chịu khó tìm tòi sự thật, người ấy sẽ thành công.
Nhờ chịu suy nghĩ, tìm tòi, sau này, I-ren đã trở thành một nhà khoa học nổi tiếng.