Hoàng Thái Hậu Từ Dũ

Bà Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19-5-1810, quê ở Gia Định. Năm 14 tuổi, bà được tuyển vào cung và được vua Thiệu Trị rất sủng ái.

Năm 1829, bà sinh hoàng tử Hồng Nhậm. Khi Hồng Nhậm tròn 19 tuổi thì được cha truyền ngôi vua, lấy niên hiệu là Tự Đức và bà Từ Dũ trở thành Hoàng Thái hậu.

Bà Từ Dũ hiền thục, đoan trang, sống giản dị, không ưa sự xa hoa. Bà thích đọc sách và suy ngẫm nên rất uyên bác.

Theo thông lệ, triều đình phải tổ chức lễ tấn phong Hoàng Thái hậu cho bà một cách trọng thể, nhưng bà lần lữa không muốn làm. Nhà vua năn nỉ, các quan khẩn cầu nhiều lần bà mới đồng ý, nhưng bà bắt làm thật đơn giản, không được bày biện tốn kém.

Dù ở ngôi Hoàng Thái Hậu nhưng bà vẫn dùng chiếc quạt giấy đã rách mép, bao đựng kính đã sờn. Những cây nến trong cung khi thắp còn lại mẩu thừa, các cung nữ thường vứt đi, bà bảo phải gom để dành, dồn lại nấu thành cây nến khác. Bà thường nói với cung nữ:

– Ta tự xét không làm gì có ích cho nước nhà, không thể cậy thế là mẹ vua để ăn tiêu xa xỉ. Một sợi tơ, một hạt gạo đều là mồ hôi, nước mắt của dân, không được coi thường mà hoang phí.

Ở địa vị như bà, xưa nay không ít người lợi dụng quyền chức để mưu cầu cho người thân, cho dòng họ mình. Bà không làm như vậy, trái lại còn rất nghiêm khắc. Một người họ hàng của bà từ Gia Định ra Huế cầu xin vua Tự Đức ban cho chức tước. Khi con hỏi ý kiến, bà bảo :

– Người trong họ của ta không có công lao thì không được ban tước, ai làm điều sai trái cũng phải nghiêm trị theo phép nước.

Bà Từ Dũ còn nổi tiếng là người mẹ mẫu mực, rất có ý thức trong việc dạy dỗ, rèn cặp con mình, ngay cả lúc con đã làm vua. Đêm đêm, Tự Đức có lệ đọc sách cho mẹ nghe. Sau mỗi đoạn, Thái hậu thường phân tích các sự kiện, nhân vật, rút ra những bài học sâu sắc, qua đó gợi cho Tự Đức kinh nghiệm ứng xử và điều hành việc nước.

Nhà vua do sức yếu nên việc triều chính có lúc trễ nải. Một số quan lại lợi dụng thời cơ lộng quyền vơ vét. Đại thần Phạm Phú Thứ dâng sớ phê phán và khuyên can vua. Tự Đức đọc xong nổi giận, nghe theo bọn gian thần, cách chức Phú Thứ, giáng xuống làm lính. Biết tin ấy, Thái hậu cho mời vua đến, hỏi:

– Ông Phạm dâng sớ trách cái tính lười biếng của con thì ông ấy được lợi gì?

Nhà vua thưa:

– Ông ấy không được lợi gì, nhưng bề tôi sao dám chê trách vua như thế?

Thái hậu nhẹ nhàng:

– Người thẳng thắn thì mới dám nói sự thật. Còn những người chỉ bẩm bẩm, dạ dạ có chắc họ trung với vua không?

Vua cúi đầu im lặng. Thái hậu tiếp:

– Ông Phạm làm lính, có thấy ông ấy buồn không?

Vua thưa:

– Ông ấy không buồn. Chiều chiều ông ấy thường thả thuyền, ngâm thơ.

Thái hậu nói:

– Con thấy không, người trượng phu không phải vui ở chức tước, mà cốt là ở việc làm chân chính không hổ thẹn với lòng mình.

Tự Đức hiểu ra, sụp lạy mẹ. Sau đó, Phạm Phú Thứ được triệu về kinh, khôi phục chức cũ, sau này trở thành một vị đại thần thân cận của vua Tự Đức.

Bà Từ Dũ sống trong giai đoạn nước nhà lâm nạn. Tự Đức qua đời năm 1883 làm bà rất đau buồn. Khi nghe tin Nam Bộ bị Pháp chiếm, bà khóc thảm thiết, nhịn ăn ba ngày. Lúc kinh thành thất thủ, bà theo vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị. Bà luôn động viên vua kiên trì chống Pháp. Sau, vì già yếu bà phải quay về Huế, sống âm thầm, lặng lẽ cho tới khi qua đời, hưởng thọ 91 tuổi.

Xem thêm