Tia bức xạ vũ trụ đối với nhà du hành có hại gì?
Trên không của Trái Đất, Mặt Trời là nguồn bức xạ khổng lồ. Từng giờ từng phút nó bức xạ ra một năng lượng rất lớn đối với Trái Đất. Trong bức xạ của Mặt Trời có ánh sáng thấy được và tia hồng ngoại, chiếm trên 90% tổng lượng bức xạ, nó cung cấp nhiệt lượng cho Trái Đất cũng như nguồn năng lượng chủ yếu cho các thiết bị vũ trụ.
Mặc dù tia tử ngoại, tia X và tia γ trong bức xạ Mặt Trời chiếm tỷ lệ rất ít, nhưng nó có hại rất lớn đối với cơ thể người và các loại vật liệu. Trên Trái Đất nhờ có tầng điện ly và tầng ozon che chở, ngăn cản tác hại của chúng, do đó ta vẫn được an toàn.
Trong vũ trụ bên ngoài tầng khí quyển, các con tàu hoàn toàn phơi mình dưới bức xạ của Mặt Trời, do đó vật liệu các kết cấu của con tàu rất nhanh bị lão hoá, các linh kiện điện tử mất đi độ nhạy, quan trọng hơn là nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng đối với sức khoẻ của các nhà du hành vũ trụ.
Nếu tia bức xạ vũ trụ tác dụng lên cơ thể sẽ khiến cho các nguyên tử trong tế bào sản sinh hiệu ứng điện ly, khiến cho các phân tử, tế bào và kết cấu tổ chức trong cơ thể bị tổn thương, mất đi công năng sinh lý vốn có của nó. Bức xạ gây tổn thương đối với cơ thể có thể chia thành hai loại: tổn thương cấp tính và tổn thương mãn tính. Tổn thương cấp tính là loại bệnh bức xạ như ta thường nghe nói, trong một thời gian ngắn phải chịu một lượng bức xạ lớn làm cho cơ thể bị bệnh máu trắng, tiểu cầu trong máu giảm thấp nhanh chóng, dẫn đến tử vong; tổn thương mãn tính qua điều trị và sau khi thoát khỏi môi trường bức xạ, sức khoẻ có thể phục hồi trở lại.
Các nhà du hành khi làm việc trong vũ trụ, mặc trang phục vũ trụ có tác dụng ngăn ngừa tia bức xạ. Trước khi ra khỏi con tàu các nhà du hành phải uống thuốc đề phòng bức xạ, nó chống bệnh bức xạ rất có hiệu quả. Nhưng cùng với phạm vi hoạt động vũ trụ ngày càng mở rộng, quỹ đạo bay ngày càng cao thì cường độ bức xạ cũng ngày càng mạnh, do đó không ngừng nghiên cứu ngăn ngừa bệnh bức xạ vẫn là một đề tài quan trọng của y học vũ trụ.