Văn hay chữ tốt

Thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.

Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:

- Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn, có được không?

Cao Bá Quát vui vẻ trả lời:

- Tưởng việc gì khó, chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng.

Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng, Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc hết sức luyện viết chữ sao cho đẹp.

Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.

Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp. Ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.

 


Khẩn khoản: tha thiết, nài nỉ người khác chấp nhận yêu cầu của mình.

- Huyện đường: nơi làm việc của quan huyện trước đây.

- Ân hận: băn khoăn, day dứt và tự trách mình về việc không hay xảy ra.


 

Xem thêm