Vì sao mực nho (mực tàu) lại khó mất màu?
Nếu bạn chụp ngọn nến đang cháy bằng một cốc sứ, lúc sau trên cốc sẽ xuất hiện một lớp màu đen. Người ta gọi đó là mồ hóng. Ở nông thôn, khi người ta đun bếp củi, lâu dần trên đáy nồi sẽ xuất hiện lớp mồ hóng màu đen, ngày càng dày.
Thành phần hoá học của mồ hóng là cacbon. Thế mồ hóng dùng để làm gì?
Có nhiều nơi trên thế giới người ta xây dựng các nhà máy dùng các chất có chứa cacbon như khí thiên nhiên (thành phần chủ yếu là metan) để chế tạo mồ hóng. Mực tàu chính là được chế tạo từ mồ hóng, người ta dùng loại mồ hóng rất mịn, chất keo và nước trộn đều với nhau mà thành.
Khi bạn dùng bút viết lên giấy, một lúc sau, nước bay hơi hết còn lại vết keo chứa mồ hóng dính chặt vào giấy, giống như khi ta dùng keo để dán tem thư. Do mồ hóng rất bền, cho đến nay vẫn chưa có loại "dung dịch tẩy trắng" nào có thể "tẩy trắng" được cacbon. Vì vậy dùng loại mực chế tạo bằng mồ hóng thì chữ viết, bức hoạ vẽ bằng loại mực này sẽ không bị phai màu. Nhiều bức hoạ cổ, sách cổ còn lại, giấy có thể biến thành màu vàng nhưng chữ viết, hình vẽ vẫn đen như cũ.
Trong mực tàu còn chứa một ít long não, xạ hương và số chất thơm làm cho người ta cảm thấy dễ chịu.
Mực tàu đóng thành thỏi cũng được chế tạo bằng mồ hóng, chỉ có điều là ở đây lượng nước ít, chất keo nhiều hơn và có thêm ít phụ gia.
Mực dầu in sách trong các máy in, cũng được chế tạo bằng mồ hóng.