Bá Nha học đàn

Vào thời Xuân Thu, có một người tên là Du Bá Nha theo Thành Liên tiên sinh học đàn. Chỉ một thời gian ngắn, Bá Nha đã thành thục các ngón đàn, nhưng thầy giáo của ông vẫn cho rằng Bá Nha biểu diễn chưa đủ cảm động lòng người mà chỉ là đánh lên những âm thanh theo một giai điệu nhất định mà thôi. Tiếng đàn của Bá Nha thiếu đi một thứ gọi là “thần vận” nên chưa thể khiến người nghe đồng cảm. Một hôm, Thành Liên tiên sinh nói với Bá Nha:

- Sư phụ của ta tên là Phương Tử Xuân, sống ở biển Đông. Ông ấy biết cách bồi dưỡng cảm xúc của con người, ta sẽ dẫn con đến gặp ông ấy để học hỏi, nhờ đó, con có thể nâng cao khả năng của mình rất nhiều.

Thế rồi hai thầy trò chuẩn bị lương thực, thuê một con thuyền nhỏ và cùng nhau ra biển. Khi đến núi Bồng Lai trên biển Đông, Thành Liên tiên sinh nói với Bá Nha:

- Con hãy ở đây luyện đàn, để ta đi tìm sư phụ.

Nói xong, ông chèo thuyền ra xa.

Mười ngày sau, Thành Liên tiên sinh vẫn chưa quay lại. Bá Nha chờ một mình trên đảo, cảm thấy vô cùng sốt ruột, hàng ngày, ngoài luyện đàn ra thì chỉ đứng ngóng về phía xa. Trước mặt là biển xanh mênh mông, tiếng sóng vỗ ầm ầm; quay người lại nhìn là rừng cây xanh mướt, tiếng chim hót líu lo vang lên không ngừng. Những âm thanh sống động và trong trẻo của tự nhiên khiến Bá Nha cảm thấy tinh thần sảng khoái, bay bổng hẳn lên. Bỗng nhiên, Bá Nha có cảm hứng muốn gảy đàn, dồn hết tâm tư vào bản nhạc, trong một thời gian ngắn đã sáng tác được khúc Cao sơn lưu thủy nổi tiếng.

Không lâu sau, Thành Liên tiên sinh chèo thuyền tới đảo. Nghe thấy tiếng đàn đầy cảm xúc của Bá Nha, ông vô cùng sung sướng nói:

- Bây giờ con đã trở thành người chơi đàn giỏi nhất thiên hạ rồi đấy, con hãy đi đi!

Bá Nha vô cùng kinh ngạc, thì ra tiếng sóng vỗ và những chú chim chính là người thầy giỏi nhất của mình. Sau đó, Bá Nha không ngừng tích lũy kinh nghiệm sống và những trải nghiệm cảm xúc của mình để trở thành nghệ sĩ cổ cầm nổi tiếng nhất Trung Quốc.

 

Trò chuyện cùng bé

Điều gì đã giúp Bá Nha chơi đàn hay đến vậy? Đó chính là do Bá Nha đã gửi cảm xúc vào trong tiếng đàn. Chỉ có chơi đàn bằng cả trái tim thì mới có thể làm cho người nghe cảm động. Thật ra, chơi đàn hay làm bất kì việc gì khác cũng vậy, quan trọng nhất là phải có tấm lòng, có sự tận tâm thì mới có thể làm tốt được!

Xem thêm