Bãi cá nhân tạo là thế nào?
Có một lần mấy nhà khoa học Italia trong quá trình điều tra biển vùng duyên hải Rơnaia phát hiện: ném ô tô hỏng xuống biển sẽ thu hút một lượng lớn các vi sinh vật biển, sinh vật phù du và các loại tảo, do đó cuốn hút nhiều cá và những sinh vật biển khác đến ở. Phát hiện này đã hấp dẫn họ. Họ cho hơn 1.000 xe ô tô hỏng xuống biển để làm thí nghiệm, kết quả phát hiện: lâu ngày những ô tô hỏng này tạo nên môi trường thu hút nhiều loài cá đến đó kiếm ăn và ẩn nấp. Điều đó gợi ý họ: nếu ô tô hỏng có thể biến thành ngôi nhà chung của cá thì người ta có thể dùng những vật thể khác để thu hút các loại cá đến đó sinh sống được không?
Qua nhiều thí nghiệm chứng tỏ: cách làm này rất có tác dụng. Người ta gọi bãi chăn nuôi nhân tạo này là "bãi cá nhân tạo".
Vì sao bãi cá nhân tạo lại có thể thu hút cá và các loài sinh vật khác đến sinh sống? Hiện nay cách nhìn nhận và giải thích có khác nhau. Có người cho rằng, bãi cá nhân tạo xem như những vật nổi lên dưới đáy biển. Chung quanh những vật này có thể hình thành những luồng nước bốc từ dưới lên trên, các chất dinh dưỡng phong phú trầm tích dưới đáy biển đi theo lên, làm cho các sinh vật phù du sinh sôi nảy nở, cung cấp thức ăn dồi dào cho cá. Sinh vật phù du càng tăng thì cá và các loại sinh vật khác càng có nhiều thức ăn, thu hút chúng tập trung lại. Cũng có người cho rằng, bãi cá nhân tạo sở dĩ hấp dẫn cá là vì nó sản sinh ra những cái bóng làm cho cá yêu thích. Những hang động trong bãi cá nhân tạo cũng tạo thành những khoảng không gian cá yêu thích, hoặc có một số cá cần lợi dụng bãi cá nhân tạo để cà thân vào đó. Mặc dù hiện nay sự nhận thức về bãi cá nhân tạo chưa thống nhất, nhưng có một điều chắc chắn đó là một biện pháp thu hút cá có hiệu quả.
Nước Mỹ đã bỏ nhiều ô tô hỏng xuống vịnh Imôna ở quần đảo Hawai, hình thành bãi cá. Kết quả điều tra chứng tỏ, sau khi có bãi cá nhân tạo, lượng cá phân bố ở ven biển bình quân 1 m2 trước và sau khi có bãi cá là 16 kg và 700 kg, gấp 43 lần so với trước khi có bãi cá nhân tạo. Ở Nhật bắt đầu từ những năm 60 đã xây dựng nhiều bãi cá nhân tạo, đến năm 80 sản lượng hải sản bình quân hằng năm từ 20 vạn tấn nâng lên 70 vạn tấn. Ngày nay kĩ thuật bãi cá nhân tạo đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ở Mỹ ven bờ biển xây dựng hơn 1.200 bãi, hầu như khắp bờ biển các bang đều có. Nhật Bản từ 1976 - 1981 xây dựng 3.086 bãi cá nhân tạo, diện tích khoảng 680 km2, từ 1982 - 1987 xây dựng và mở rộng diện tích gấp đôi. Nga, Pháp, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Inđônêxia, Philippin cũng đang xây dựng các bãi cá nhân tạo, Trung Quốc đã xây dựng 28 bãi cá, bỏ 28.700 các loại vật liệu xuống biển, có 49 chiếc tàu biển hỏng. Tháng 4 năm 1998 ở Hồng Kông xây dựng một đặc khu gồm một tàu biển dài 33,4 m, rộng 7,5 m, cao 7 m, kế hoạch trong ba năm tới sẽ xây dựng 20 bãi cá nhân tạo nữa. Bãi cá nhân tạo khiến cho khu vực sản lượng cá thấp biến thành ngư trường tốt, thực hiện vai trò quan trọng của sản xuất cá.