Cái Gương
Không ai hiểu tại sao nó không còn có ở đấy nữa. Sáng nào khi lên cơ quan, khi bước vào thang máy, tôi đều nhìn vào nó. Chẳng để làm gì. Chỉ như một thói quen thường nhật vậy thôi, cũng như sáng nào bạn cũng phải vuốt tóc, lượn đi lượn lại trong phòng tắm vài lần và ngắm chính mình, mà không hiểu tại sao bạn lại làm như vậy.
Nhưng đối với tôi, trong cái thế giới nhàm chán này, thì việc cái gương không còn có trong thang máy nữa là một sự kiện đặc biệt. Nó làm cho cái thang máy chật hẹp này có vẻ có không gian hơn, cái hòm sắt nặng nề và vô tri vô giác ấy có tâm hồn hơn và dường như khoảng thời gian dù rất ngắn ngủi từ mặt đất lên đến tầng mà người ta muốn, hoặc từ đó đi xuống tầng trệt đỡ tẻ nhạt hơn.Trong chừng 30 giây mà dài như cả thế kỷ ấy, bạn có thể ngắm mình trong gương, bạn có thể che giấu được sự bối rối của bạn khi người đi cùng “chuyến” ấy là người bạn không thích hoặc đơn giản là không có gì để nói, hoặc đơn giản là bạn hiểu ra rằng những câu chuyện mà bạn nghĩ ra để nói với người đi cùng thang máy chỉ là giả tạo cho hết quãng đường, và bạn chỉ nhìn vào con số ở thang máy chỉ thị cho mỗi tầng đã đến để người đó đi cho nhanh.
Nếu cuộc sống là một tập hợp của những điều giả dối và chân thực nhất, thì cái gương trong thang máy chính là một thế giới phản ánh rõ nhất điều ấy. Chỉ trong vài chục giây ngắn ngủi người ta có thể nói những điều giả dối với nhau hoặc im lặng chỉ để đi qua một khoảng thời gian ít ỏi với vài tầng để đến chỗ mình mong muốn, và cái gương ấy sẽ chứng kiến tất cả. Tôi vẫn có một thói quen là ngày nào cũng nhìn vào nó khi tôi bước vào thang máy và ngày nào cũng nhìn vào nó mỗi khi bước ra. Con người tôi bằng xương bằng thịt ở đó, không mất đi một gam thịt hay sợi tóc nào, nhưng tâm hồn của tôi và bao người khác thì cái gương không bao giờ có thể in lại được.
Có những lúc có cảm giác buồn bã, không vui vẻ và sầu muộn và tôi không muốn nhìn vào đó. Có những lúc vui và nhẹ nhõm tôi lại muốn lưu lại nụ cười của tôi ở đó. Có những lúc muốn đập vỡ một cái gì đó và tôi cũng muốn nhìn vào nó. Dường như tất cả những bộ phim nói về sự đổ vỡ trong tâm hồn hay trong một mối quan hệ đều mô tả một ai đó ném một vật vào chiếc gương và nó vỡ tan thành từng mảnh. Khuôn mặt không nguyên vẹn của người đó hiện ra trong những mảnh vỡ, méo mó, đau khổ, buồn bã hoặc giận dữ, nhưng đó là khuôn mặt thật của họ. Cái gương là ánh xạ của chính chúng ta.
Tôi thấy hơi hụt hẫng khi trong thang máy tòa nhà 8 tầng của cơ quan không còn cái gương nữa. Có thể một ai đó không muốn nhìn bộ mặt thật của mình đã cố tình làm cho nó vỡ. Cũng có thể là ai đó đã làm cho nó tan thành từng mảnh chỉ đơn giản là vì nó ghi dấu tất cả những nết giả dối của họ. Cũng có thể nó chẳng may bị vỡ, hoặc ban quản lý tòa nhà muốn thay nó bằng một chiếc gương mới. Nhưng nó dù mới đến mấy, cũng chỉ là một chiếc gương, và cũng sẽ chẳng có ai đẹp lên hay xấu đi vì nó, vì trong gương, họ vẫn chỉ là chính họ.
Tôi chẳng cảm thấy nhẹ nhõm, tôi cũng chỉ hơi buồn khi thiếu một cái gì đó để ngắm mình rõ ràng nhất mỗi khi bước vào chỗ làm việc, tôi cũng không đi cầu thang bộ chỉ vì thấy mình quá xấu trong chiếc gương. Tôi chỉ thấy hơi thiếu một cái gì đó mà tôi vẫn hay làm mỗi khi bước vào chiếc thang máy. Người ta có thể thay chiếc gương cũ vì một lý do nào đó mà không còn ở đấy nữa bằng một chiếc gương mới. Người ta có thể sửa sang lại chiếc thang máy và làm cho nó hoặc rộng hơn, hiện đại hơn, hoặc thơm tho hơn, nhưng tôi vẫn sẽ đi trên đó. Tôi vẫn muốn nhìn gương mặt của chính mình một cách chân thực nhất ở đó, dù nó thế nào đi chăng nữa. Méo mó, buồn thảm, chán chường hay vui vẻ, nhưng tôi vẫn luôn là chính tôi.
Nếu một ngày nào đó, tôi đi cầu thang bộ chỉ vì tôi sợ gương mặt mình trong chiếc-gương-sự-thật ấy, sẽ không ai đọc được những gì tôi viết ra như thế này. Blog sẽ chết và tôi không còn ở đây nữa. Như một sự xấu hổ. Như một sự sám hối. Không phải vì chiếc gương. Mà vì tôi đã đánh mất chính tôi.