Những sọc vằn trên thân ngựa vằn có tác dụng gì?
Hình dáng của con ngựa vằn giống như lừa, nó là loài động vật có vú đặc sản của Châu Phi. Sinh sống ở vùng núi, thảo nguyên và trong những khu rừng thưa thớt, trên thân có sọc vằn trắng, đen xen kẽ nhẵn bóng rất giống một bức đồ án được người vẽ mô tả, dưới sự chiếu sáng của ánh nắng Mặt Trời, hiện lên rất đẹp đẽ, nên có tên là "ngựa vằn".
Ngựa vằn ăn cỏ tươi và cành lá non, thích sống thành đàn, thường do một con ngựa đầu đàn dẫn dắt cả đàn hoạt động và kiếm ăn. Nó có thể chạy rất nhanh, thính giác, thị giác và khứu giác đều rất phát triển. Khi phát hiện thấy có tình huống khả nghi, con ngựa vằn đảm nhiệm canh gác lập tức phát ra "báo động" để cả đàn tháo chạy, khả năng tự vệ và chống chọi với kẻ địch của ngựa vằn tương đối kém, thường bị sự tấn công và truy sát của sư tử. Khi gặp tình huống này, đôi khi ngựa vằn tập trung thành đàn để đá hậu, đọ sức với kẻ địch.
Sự rộng hẹp của sọc vằn trên thân ngựa vằn có liên quan đến giống loài. Các sọc vằn đẹp đẽ có thể được coi là dấu hiệu nhận biết giữa đồng loài với nhau, nhưng điều quan trọng hơn là các sọc vằn được coi là màu sắc bảo vệ để thích nghi với môi trường. Dưới sự chiếu sáng của ánh Mặt Trời hoặc ánh trăng, do sự hấp thu và phản xạ ánh sáng của màu sắc trắng đen trên thân ngựa vằn khác nhau, có thể phá vỡ và phân tán đường viền của thân hình, nhìn từ xa rất khó phân biệt được nó với môi trường xung quanh. Nếu ngựa vằn đứng im không động đậy thì cho dù là cự li rất gần cũng rất khó mà nhận ra, như vậy có thể giảm bớt nguy cơ bị mãnh thú xâm hại. Màu sắc bảo vệ này là kết quả lựa chọn lâu dài của tự nhiên, những con ngựa vằn mà sọc vằn không rõ rệt đã dần dần bị mãnh thú ăn thịt hết, những con ngựa vằn có sọc vằn rõ rệt lại dễ sinh tồn, như vậy có lợi cho tính chất và trạng thái sinh tồn từ đời này sang đời khác của ngựa vằn, nên chúng đã trở thành những con ngựa vằn vô cùng đẹp như ngày nay.