Tại sao khi đứng sát tường chúng ta không thể đứng bằng một chân?

Nếu bạn đứng theo thế "kim kê độc lập", tức là đứng bằng một chân, bạn có thể giữ được tư thế này trong một thời gian. Với người đã từng tập luyện, khoảng thời gian này sẽ dài hơn. Còn bây giờ, giả sử bạn đứng ép người vào tường, thân bên trái, chân trái và tay trái chạm tường, sau đó bạn co chân phải lên, bạn sẽ thấy rằng bạn không thể đứng vững chỉ dựa vào chân trái, bạn sẽ tự động bị đổ ra phía ngoài. Tại sao lại như vậy?

Khi chúng ta đứng phần diện tích do hai chân tạo ra trên mặt đất tạo thành mặt phẳng tiếp xúc. Chỉ khi nào đường tác động trọng lực của con người đi qua mặt phẳng tiếp xúc này, người ta mới đứng vững. Nếu đường tác động trọng lực không đi qua mặt phẳng tiếp xúc này, người ta sẽ không đứng vững được.

Khi hai chân tách nhau, mặt phẳng tiếp xúc rộng ra, người ta sẽ đứng khá vững. Hai bàn chân cách càng rộng, đứng càng vững. Ngược lại, đứng bằng một chân, mặt phẳng tiếp xúc nhỏ đi, người đứng không vững. Tuy vậy, có thể điều chỉnh tư thế để đường tác động của trọng lực đi qua mặt phẳng tiếp xúc. Nhưng do mệt mỏi hoặc các nguyên nhân khác khiến cho không thể điều chỉnh đường thẳng vuông góc đi xuyên qua trọng tâm nằm trên mặt phẳng tiếp xúc, con người sẽ có xu hướng đổ nghiêng.

Khi đứng sát tường, rồi nhấc chân phía ngoài lên, không chỉ mặt phẳng tiếp xúc nhỏ đi mà đường thẳng vuông góc đi qua trọng tâm cũng không đi qua mặt phẳng tiếp xúc do một chân tạo nên. Do vậy, dù cố gắng đến mấy, người ta cũng không thể đứng vững được. Muốn đứng vững phải đứng tách ra khỏi tường.

Xem thêm