Trăng nay chớ có xem thường

Lê Thánh Tông (1441 – 1497) là một vị vua có nhiều công lao phát triển kinh tế, văn hoá, mở mang đất nước. Nhà vua lập ra Hội Tao đàn để khuyến khích sáng tác thơ văn bằng tiếng Việt. Năm ấy, vua cho họp hội thơ của mình đúng vào đêm Trung thu. Hai mươi tám thi sĩ tài hoa đều có mặt để hóng mát, vịnh trăng. Nhưng không may đêm đó mây mờ che lấp vầng trăng. Cả hội thơ đều lúng túng, vì định làm thơ vịnh trăng mà lại không có trăng.

Khi ấy, có anh lính cấm binh đứng hầu trước điện là Nguyễn Toàn An, người Đường An, Hải Dương, nghe mọi người bàn chuyện làm thơ, cũng làm chơi một bài.

Trong khi các thi sĩ chưa làm xong, Toàn An đã nhờ người dâng thơ của mình lên vua. Mọi người đều cười giễu anh lính gác. Riêng vua Lê Thánh Tông nói:

– Thì ra đất nước thái bình, việc học được khuyến khích nên người lính thường của ta cũng là khách làng thơ. Nào, cho đọc lên cùng nghe.

Bài thơ có hai câu kết rất hay, vừa hợp cảnh đêm Trung thu trăng mờ, vừa ngụ ý sâu xa về tương lai của người lính nọ:

Trăng nay chớ có xem thường

Thu sau trăng sáng như gương giữa trời.

Vua khen thơ, tạo điều kiện cho Toàn An học hành. Quả nhiên, đến khoa thi Tân Sửu (năm 1481), Toàn An đỗ thám hoa.

Xem thêm