Vì sao học sinh cấp 1-2 không nên đi giày cao gót?
Chân là nền tảng của cơ thể, nó không những phải gánh chịu trọng lượng toàn thân mà còn phải đi và nhảy. Giày là vật bảo vệ cho bàn chân, nó có tác dụng làm cho bước đi ổn định và giữ ấm bàn chân. Giày cao gót có thể tăng thêm đường nét thanh mảnh của hình thể và dáng yểu điệu của người phụ nữ. Do đó, để tăng vẻ đẹp, không ít em học sinh cũng muốn đi giày cao gót. Thực ra, đối với học sinh cấp 1-2, cơ thể đang phát triển, việc đi giày cao gót sẽ lợi ít hại nhiều, thậm chí rất có hại cho sức khỏe.
Giày cao gót là loại giày có gót cao hơn 3 cm. Vì gót giày cao và rất nhỏ nên trọng lượng toàn thân tập trung ở một điểm nhỏ. Ở học sinh cấp 1-2, hình cung bàn chân phát triển chưa hoàn thiện; các em lại rất hiếu động, dễ bị tổn thương bàn chân, mắt cá và các cơ, dây chằng của bàn chân. Nếu dùng lâu, bàn chân và thắt lưng sẽ xuất hiện chứng đau mỏi. Gót giày cao quá còn khiến cho xương gót chân có khuynh hướng chùn xuống, hình cung bị phá hoại, dễ tạo nên chứng chân bằng. Không những thế, giày cao gót còn khiến các ngón chân bị dồn vào đầu mũi giày nhọn, bị bóp nghẹt, lâu ngày sẽ dẫn đến các bệnh về ngón chân, tạo nên các mắt gà trên mu bàn chân.
Nghiêm trọng hơn, nếu đi giày cao gót lâu ngày, thân thể đổ về phía trước khiến cho cột sống vùng thắt lưng cong lại một cách không tự nhiên nhằm bảo đảm cho cơ thể được cân bằng, hậu quả là cơ thắt lưng bị mỏi mệt, đau; có khi xương chậu bị dị dạng, ảnh hưởng đến sự sinh đẻ sau này.
Qua đó, có thể thấy học sinh cấp 1-2 không nên đi giày cao gót. Các nhà khoa học cho rằng, gót giày của các em không nên cao quá 3 cm, tạo hình mặt giày nên giống với hình cung của bàn chân, làm cho lòng bàn chân chịu lực đều, khi đi không cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, gót giày thấp quá cũng sẽ khiến cho cơ bắp chân căng thẳng, dễ mệt mỏi, đi bộ lâu sẽ cảm thấy cơ bắp chi dưới mỏi, không có lực.