Vì sao không thể tùy tiện nhập nội các loài sinh vật?
Các loài sinh vật trong sinh quyển của Trái Đất đều nương tựa vào nhau, ràng buộc lẫn nhau. Đó là một quá trình được hình thành trong sự tiến hóa lâu dài của sinh vật. Nếu sinh vật không nương tựa vào nhau thì bất cứ loài sinh vật nào cũng không thể tồn tại được, còn nếu giữa các sinh vật không khống chế lẫn nhau thì theo lí luận mà nói, loài sinh vật nào cũng có thể độc chiếm Trái Đất. Các loài sinh vật đa dạng trong sinh quyển đương nhiên được phân bố và sinh sống một cách có trật tự. Nếu trong môi trường đã tồn tại hài hòa và ổn định, một số sinh vật, nay nhập nội (đưa thêm vào) một loài mới hoặc diệt đi một loài trong đó sẽ làm nhiễu loạn sự cân bằng giữa các sinh vật, tạo nên những tổn thất và hỗn loạn rất lớn.
Châu Úc cách đây 200 triệu năm tách khỏi đại lục Châu Phi và Châu Á, trôi dạt ra Thái Bình Dương, trở thành một đảo lớn cô lập. Do đó các sinh vật trên Châu Úc đã hình thành mối quan hệ tương sinh, tương khắc, khác với các đại lục của các châu lục khác. Nếu vì một lí do nào đó ta làm biến động một loài vật thì sẽ gây ra sự nhiễu loạn trong mối quan hệ ràng buộc giữa các sinh vật, dẫn đến tai họa lớn. Năm 1787, một thuyền trưởng tên là Phêlic mang một loài cây có tên phật thủ đến trồng ở Châu Úc để nuôi một loại côn trùng màu đỏ dùng làm nguyên liệu thuốc nhuộm. Không ngờ loài cây này lọt ra bên ngoài. Vì ở đó xưa nay không có loài cây này cho nên nó mọc lây lan khắp nơi. Đến năm 1925 diễn biến thành gần 20 loài cây hoang dã, mọc chiếm phần lớn đất đai, trở thành tai họa lớn cho bản địa. Về sau, người ta phải từ quê hương loài cây đó đưa về một loài côn trùng ăn cây này mới ngăn chặn được sự phát triển của chúng.
Vào những năm 30 thế kỉ XX, người ta đưa vào Trung Quốc cây bèo Nhật Bản (Thủy hồ lô - Eichhornia crassipes), để xanh hóa mặt nước, cung cấp thức ăn cho lợn rất tốt. Nhưng tốc độ sinh trưởng của loài cây này rất nhanh, trong một thời gian ngắn đã lan thành từng mảng lớn, cản trở dòng chảy của sông, ảnh hưởng cá sinh trưởng. Mãi đến khi đưa hai loài thiên địch từ châu Mỹ về ăn cây đó mới có thể ngăn chặn được sự phát triển tràn lan của chúng.
Cân bằng sinh thái tự nhiên là thông qua chuỗi thức ăn để khống chế, tức là “dùng một loài tiêu diệt một loài”. Những loài vật đưa từ ngoài vào nếu không có thiên địch thì chuỗi thức ăn sẽ bị cắt đứt, nó sẽ phát triển vô tội vạ, giống như con ngựa hoang không đóng cương, mất sự khống chế dẫn đến “khối u sinh thái” đáng sợ. Vì vậy phải vô cùng cẩn thận khi nhập nội một loài sinh vật mới, phải tiến hành thử nghiệm và nhất định phải phối hợp với thiên địch, nếu không sẽ dẫn đến tai họa về sinh thái.
Từ khoá: Tương sinh tương khắc; Cân bằng sinh thái; Chuỗi thức ăn; Thiên địch.