Chiếc đó cá

Trời đã xế chiều, Tiến tha thẩn ra bờ mương chơi. Thấy trong người nóng bức, nó nhảy tùm xuống mương tắm. Đang vùng vẫy, chợt nó thấy lấp ló có chiếc đó [1] của ai be vào mép bờ. Tiến bơi tới gần nhấc chiếc đó cá lên. Nó sung sướng và hồi hộp khi thấy trong chiếc đó có đàn cá nhảy lách chách [2]. Trong một thoáng, nó như chợt nghĩ tới điều gì. Nhìn quanh quẩn không có ai, nó vội vã tháo nắp đó và dốc hết cá vào chiếc áo buộc túm lại, quẳng chiếc đó đi, và vụt chạy về phía chợ…

Cầm nắm tiền trong tay, Tiến hớn hở xông thẳng tới hàng kem và làm một lúc ba, bốn chiếc, hết veo số tiền bán cá. Sau đó Tiến thủng thẳng [3] về nhà.

Chiều tối, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, trên mâm chỉ vẻn vẹn có bát canh rau và đĩa tép rang từ bữa sáng còn lại. Vừa ăn, mẹ Tiến vừa ca cẩm [4]:

– Rõ khổ, bố cu Tiến thì ốm, chiều lại hết cả tiền đi chợ, thương ông không có gì tẩm bổ [5], mang cái đó ra mương bắt con cua, con cá làm bữa tươi. Ai dè đứa nào nó ăn cắp, vứt lại cái đó trống rỗng ngoài bờ…

Nghe mẹ nói, Tiến bàng hoàng cả người, nó cắn đũa trân trân nhìn sang bố. Nó không nuốt nổi miếng cơm, hình như có cái gì đó nghẹn đắng ở cổ họng. Rồi bỗng nhiên hai dòng nước mắt của Tiến lăn tràn trên má…

 

Chú giải

[1] Đó: đồ dùng để đón bắt cá, tôm, tép, thường đan bằng tre, nứa, hình ống, có hom đậy.

[2] Lách chách: mô phỏng tiếng âm thanh phát ra nhỏ nhẹ, giống một như tiếng nước vỗ nhẹ hay tiếng chim kêu.

[3] Thủng thắng: (Phương ngữ) chậm rãi, từ từ, tỏ ra như không có gì cần phải vội vàng cả.

[4] Ca cẩm: kêu ca, phàn nàn.

[5] Tẩm bổ: làm cho cơ thể khỏe mạnh bằng thức ăn có nhiều chất bổ.

Xem thêm