Làm Pla-ti-ni đến cùng

Hưng và Trang là hai anh em nhưng trông suýt soát nhau, vì Hưng hơn Trang có một tuổi. Hai anh em cũng rất mê bóng đá. Các buổi tường thuật bóng đá trên truyền hình, hai anh em không bỏ qua một buổi nào. Trong giải bóng đá quốc tế năm 1986 ở Mê-hi-cô, hai đứa còn thức dậy lúc một giờ sáng để xem truyền hình trực tiếp. Chúng thuộc tên từng đội bóng, từng danh thủ của các đội.

Hưng rất thích Pla-ti-nivừa đẹp trai lại vừa đá giỏi. Vậy nên nó nhận mình là Pla-ti-ni, còn Trang tự nhận là Ma-ra-đô-na

Hai đội bóng của nhà tập thể gồm gần chục cầu thủ mỗi đội, từ bảy đến mười hai tuổi. Tuy bé nhưng Hưng và Trang vào loại đá giỏi nên mỗi đứa làm đội trưởng một đội.

Sân bóng là một khoảng đất hẹp, mấp mô trước khu nhà tập thể. Tất cả các cầu thủ đều cởi trần, chân đất, đuổi theo quả bóng cao su bằng quả cam. Khung thành mỗi bên là khoảng trông giữa hai chiếc dép. Không có trọng tài “chuyên nghiệp” mà mỗi đứa thay nhau làm trọng tài. Quyết định bàn thắng hay thua nhiều khi còn tuỳ theo sự yêu, ghét của trọng tài với bên này hay bên kia. Trận đấu không quy định giờ mà chỉ ngừng khi nào các cầu thủ mệt hoặc mẹ các cầu thủ gọi về. Sau một trận đấu bao giờ cũng nảy ra các cuộc tranh cãi giữa các cầu thủ với trọng tài, rất căng thắng.

Chiều nay, trong khi hai đội đang thi đấu sôi nổi thì mẹ của Trang và Hưng gọi về đi tắm. Đúng lúc đó Pla-ti-ni Hưng đang chuẩn bị sút quả phạt đền “xít-mét”. Quả bóng đã bay ra ngoài khung thành. Tất cả cầu thủ hai đội đều reo lên : Pla-ti-ni rồi, Pla-ti-ni rồi…, có nghĩa là đá ra ngoài rồi. Vì đêm hôm trước Pla-ti-ni cũng sút nhiều quả phạt ra ngoài.

Lúc hai anh em ra về, Trang còn cười chế giễu Hưng:

– Anh đúng là Pla-ti-ni, toàn sút ra ngoài thôi.

– Này, đừng nói láo, không phải tao sút ra ngoài đâu mà là tại mẹ.

– Mẹ có sút đâu mà tại mẹ, tại anh chứ!

– Tại mẹ, mẹ gọi về đi tắm, thế là tao cuống lên.

– Anh thật là sướng hơn Pla-ti-ni, vì anh được đổ lỗi cho mẹ, còn Pla-ti-ni thì chẳng có ai mà đổ tại. Mà khi đá bóng, mẹ Pla-ti-ni có gọi về đi tắm đâu mà “cậu ấy” vẫn sút ra ngoài.

Nghe vậy, Hưng ức lắm, mắng át em:

– Mày không biết thì thôi, đồ “chíp hôi”, đừng xâu vào chuyện người khác. – Nói rồi Hưng oà lên khóc.

Trang lấm lét nhìn anh, muôn dỗ anh nín đi mà chả biết làm thế nào. Cuối cùng Trang tìm ra được một cách mà Trang tin là Hưng sẽ nguôi đi ngay :

– Anh Hưng ơi, thôi nín đi, em bảo này: Em cho anh làm Ma-ra-đô-na đấy, còn em làm Pla-ti-ni cũng được.

Sau câu nói đó, đứng là Hưng có dịu đi dần và thôi khóc. Hai anh em lặng lẽ về nhà.

Chiều hôm sau, trước trận đâu giữa hai đội, Hưng gọi Trang vào và bảo:

– Em cứ là Ma-ra-đô-na đi, anh vẫn là Pla-ti-ni cũng được. Vì trước “cậu ấy” đá hay thì mình nhận làm “cậu ây”, bây giờ “cậu ấy” đá dở mình lại không dám nhận thì hèn lắm Rồi Hưng quả quyết:

– Đã là Pla-ti-ni phải là Pla-ti-ni đến cùng. Với lại hôm qua, chính anh đã sút bóng ra ngoài chứ không phải tại mẹ.

 

Ý nghĩa

Trong tình yêu và sự ngưỡng mộ của cậu bé Hưng dành cho danh thủ bóng đá Pla-ti-ni còn có cả sự gắn bó trước sau như một. Đó là tính cách rất đáng khen ngợi của Hưng. Bên cạnh đó, đoạn kết của câu chuyện cho ta thấy Hưng còn là một cậu bé rất trung thực.

Xem thêm