Ra đi từ bến Nhà Rồng

Mười lăm tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành đã sớm biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của nhân dân. Lúc bấy giờ, anh đã có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào.

Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải cải lương. Anh nhận thấy điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.

Cụ Phan Bội Châu hi vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “Đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.

Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì cụ trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng phong trào của Cụ vẫn nằm trong khuôn khổ phong kiến.

Anh thấy rất rõ và quyết định con đường nên đi.

Anh thanh niên Nguyễn Tất Thành từ Trung Kỳ vào Sài Gòn và ở nhà một người bạn. Anh gặp Tư Lê, cùng một lứa tuổi, và trở thành đôi bạn thân. Một hôm, đột nhiên anh hỏi bạn:

– Anh Lê, anh có yêu nước không?

Anh Lê ngạc nhiên và đáp”

– Tất nhiên là có chứ!

– Anh có thể giữ bí mật không?

– Có!

– Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác nhau. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?

– Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?

– Đây, tiền đây. – Anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay – Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?

Trước tấm lòng hăng hái của anh Thành, anh Lê đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ về cuộc phiêu lưu, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa.

Vào một ngày đầu tháng 6 năm 1911, tại bến Nhà Rồng, một người thanh niên mảnh khảnh xin được làm phụ bếp trên một chiếc tàu buôn Pháp sắp về nước.

Người thanh niên đó là Nguyễn Tất Thành.

Xem thêm