Sự tích con Ong
Ngày xưa, có một người đàn bà tên là nàng Ong. Nàng Ong làm việc chăm chỉ, nhưng vẫn nghèo túng vì nhà đông miệng ăn. Nàng Ong mong các con khôn lớn để đỡ đần mình. Nhưng lũ con nàng, đứa nào cũng lười biếng. Nàng thường khuyên các con:
– Muốn no thì phải chăm làm
Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi.
Nhưng không đứa nào nghe. Lũ con gái nói:
– Chúng con sẽ đi tìm cái khung cửi thần. Cái khung cửi ấy, cứ gõ vào là ra vải, không cần khó nhọc ngồi dệt.
Lũ con trai nói:
– Chúng con sẽ vào rừng tìm cái rìu vàng của thần núi. Người ta bảo cái rìu ấy có thể tự ngả cây, người không phải mó tay vào.
Thế rồi một hôm, chúng bỏ nhà ra đi, để nàng Ong ở nhà vò võ một mình. Nàng buồn phiền mà chết.
Mấy năm sau, lũ con nàng Ong trở về. Đứa nào cũng rách rưới, xanh xao, vàng vọt. Chúng đã đi khắp núi cao, rừng sâu nhưng không tìm được vật quý. Hổ thẹn vì không nghe lời mẹ dạy, chúng bảo nhau chăm chỉ làm ăn.
Khi chết, chúng gặp nàng Ong. Mẹ con biến thành loài ong bây giờ. Mẹ biến thành Ong Chúa, các con biến thành Ong Thợ. Ong Thợ làm việc suốt ngày. Chúng làm ra mật ngọt lịm và người đời ưa thích.
Ý nghĩa
Sự tích con Ong là truyện cổ tích Việt Nam, giáo dục các bạn nhỏ phải biết chăm chỉ làm việc, đồng thời giải thích nguồn gốc ra đời của loài Ong ngày nay.