Cá đi ăn thề

Cứ khi mưa mới về thì có từng đàn cá đi chơi. Người ta bảo mưa mới xuống là hội, là tết của họ nhà cá.

Ngày xưa, các cụ gọi thế là “cá đi ăn thề”. Hoặc còn gọi là “cá vượt vũ môn”. Các cụ đã khéo tưởng tượng ra những chị cá giếc bảnh bao, những anh cá chép vây đỏ, vây trắng rất công đương đánh sóng bơi đi “ăn thề”, đi “vượt vũ môn” trong cơn mưa mới đầu mùa.

Chỉ có cá rô đi nhiều.

Những bác rô già, rô cụ lực lưỡng, đầu đuôi đen sì lẫn với màu bùn. Những cậu rô đực cường tráng mình dài mốc thếch, suốt mùa đông ẩn náu trong bùn ao, bây giờ chui ra khoan khoái đớp bóng nước mưa mới ấm áp rồi dựng vây lưng lên như ta trương cờ, tăng tả đánh ngạnh rạch ngược qua mặt bùn khô, nhanh như cóc nhảy.

Hàng đàn cá rô nô nức lội ngược trong mưa, nghe rào rào như đàn chim vỗ cánh trên mặt nước, vượt qua cả đường cái, cả gò đông, cả gốc cây…

Có đám rô ron – những con cá hạt bưởi, mẹ vừa mới nở trong mùa này – đương lau chau bơi.

Đàn cá nhỏ lượn trên dòng nước ấm, đục lầm đất cát.

Hai bên bờ, những bụi cây chút chít, cây sam, cây mã đề xanh ngắt vừa bị nước mưa mới kéo chìm xuống gốc. Đàn cá bơi len lỏi qua đấy, vui như người ta chen giữa đường xuân bóng cây, cứ nhẹ nhàng đi mãi. Tha hồ ra xa. Đàn rô ron phởn phơ hăng hái, mặc sức ngược lên. Nước mưa mới ấm lắm, đi đi, ta đi chơi đi…

Bỗng đám cá rô ron nọ trông thấy lượn qua đầu ngọn sóng một đàn cá ngão.

Những con cá ngão trắng nhoáng. Chàng nào cũng cồng kềnh dài như cái thuyền, mép rộng loe ra như đeo cái loa thông tin, cứ vừa bơi vừa chuyện bô bô, chang cần biết ai xung quanh.

Rô ron xôn xao:

– Cá ngão mặc áo dài trắng mỏng tanh không có ngạnh đinh ba mà dám ngược chơi xa như chúng mình à?

– Xưa nay có cá ngão rạch nước mưa mới bao giờ!

Một anh tỏ vẻ hiểu biết hơn:

– Cá ngão không ở ao như chúng ta, nhà ngão ngoài sông cơ mà?

Thế là đàn rô ron nhao nhao lượn đến, thắc mắc:

– Các bác ở đâu đến?

– Chúng tớ từ sông Hồng lên đây.

Vòng tròn quanh mắt những cậu cá rô càng tròn xoe, tỏ vẻ lạ:

– Tận ngoài sông Hồng à?

– Chứ sao!

– Các bác vượt được đê sông Hồng à?

– Chứ sao!

Bọn rô ron hết thắc mắc, lại đâm ra vặc nhau: “Vượt đê ? Cao thế mà vượt được à ? Xưa nay có cá sông theo mưa mới vào cánh đồng bao giờ ? Đến cá trắm, cá chép to thế mà cũng chang vượt đê nổi nữa là!”.

Thế là cả lũ rô ron lại lượn xô đến và cùng nói:

– Các bác này nói phét!

Cá ngão chỉ đủng đỉnh trả lời:

– Không tin thì đi theo chúng tớ mà xem.

Đàn rô ron bèn bơi theo.

Sớm kia, cả hai đàn cá bơi tới một khoảng nước lớn. Họ đương tung tăng thì chợt đụng đầu vào vách xi-măng lạnh ngắt. Trông lên đầu tường thấy một toà nhà đồ sộ đứng dầm chân trong nước, cả một bức tường lồng lộng ánh xuống rập rờn vàng choé dòng sông.

Cá ngão ngẩng nhìn toà nhà, nói:

– Chúng tớ vượt qua chỗ tường này này.

Rô ron ngơ ngẩn hỏi:

– Bên kia là sông Hồng đấy ư?

– Ừ, bên kia là sông Hồng.

– Mà các bác nhảy sang được?

– Chứ sao!

Chỗ ấy có những xoáy nước tròn tự nhiên cứ đùn đùn sủi sủi từ dưới sâu. Không gió mà sóng ngầm ở đâu cồn lên, đẩy nghiêng cả hai bọn cá. Và ô kìa, giữa những khôi nước đùn, lại thây lũ lượt lên theo toàn các họ hàng nhà cá trắng vốn quê ngoài sông Hồng, những chàng cá ngáo, cá mương, cả cậu bống, cậu thờn bơn mảnh khảnh cũng loắt choắt theo luôn. Các cậu công tư cá trắng vùa nhoi lên, hủn hoan quay đầu quay đuôi, bỡ ngỡ, ngơ ngác một chút rồi hót nhiên, thấy sung sướng quá, thảnh thơi quá, nước mưa mới ấm áp quá, tức thì các cậu ngoắt đuôi, bơi miết, hoà luôn vào dòng cá đàn đông vui đương nhởn nhơ.

Bọn ngão kêu to:

– Đấy! Đấy ! Bọn chúng tớ lên đẩy! Nước hút mạnh ghê lắm cơ!

Những chú rô ron lét mắt nhìn quanh, thì thầm :

– Ghê thật! Giỏi thật!

Cứ khi có trời mưa mới thì lại có hàng đàn cá đi chơi.

Mưa mới xuống thực là hội, là tết của các họ nhà cá. Cánh đồng và trong làng trắng những nước mưa. Cá rô bao giờ cũng đi đông nhát. Hàng đàn cá rô rạch trong mưa, nghe rào rào như có đàn chim vỗ cánh trên hồ ao, trong lạch nước, ngoài cánh đồng…

 

Ý nghĩa

Từ cảnh tượng những đàn cá tung tăng bơi lội sau trận mưa rào, cảnh tượng nô nức hàng đàn cá rô rạch trong mưa, nhà văn Tô Hoài liên tưởng tới cảnh “cá đi ăn thề”, đi dự hội, đi đón tết. Một không khí hội hè, vui vẻ tràn ngập bài văn. Qua cuộc “giao lưu” của các họ nhà cá khi đi hội, đặc tính của một số loài cá được thể hiện khá sinh động, thú vị.

Xem thêm