Chuyện kể về Lương Thế Vinh

Thủa nhỏ, Lương Thế Vinh trọ học ở phía nam kinh thành. Vinh rất thông minh, học hành chóng giỏi. Trong khi chơi đùa với các bạn, Vinh cũng tìm được nhiều trò chơi lí thú.

Một hôm, Vinh và các bạn thi nhau nặn voi xem ai khéo. Khi đem voi ra đọ, các bạn đều phải chịu con voi của Vinh thích hơn cả. Nó uấn được vòi, nó bò được, mà đôi tai lại biết phe phẩy như voi thật. Có gì đâu, Vinh đã lấy con đỉa làm vòi voi, lấy bươm bướm làm tai voi, và cậu bé thông minh đã gắn bốn chân ông voi đất lên mai bốn con cua kềnh, Thế là voi cử động được.

Một lần khác, lũ trẻ chơi bóng. Trái bóng làm bằng bưởi xanh nướng dẻo, bất chợt lăn tọt xuống hố sâu, tay với không tới. Vinh rủ bạn lấy gầu múc nước đổ vào hố. Bưởi nổi dân lên. Ai cũng cho rằng cậu bé này trí óc sáng suốt.

***

Lớn lên, Lương Thế Vinh đỗ vào Trường Giám, học giỏi hiểu rộng. Ông thi đỗ Trạng nguyên, đem tài năng của mình ra giúp nước. Lương Thế Vinh rất giỏi toán, đã viết sách về toán, lại nổi tiếng thơ văn. Ông còn được tôn là ông tổ nghề múa rối nước của ta.

Có một lần, sứ thần của vua Minh bên Trung Quốc sang thăm dò người giỏi ở nước ta. Vua Lê giao cho Lương Thế Vinh tiếp. Trong một buổi đi chơi dọc sông Tô Lịch, sứ Minh cho lấy cái cân và nhờ Vinh cân xem voi nặng bao nhiêu. Tuy biết Lương Thế Vinh là người giỏi, nhưng lần này sứ Minh yên trí sẽ làm ngượng mặt được quan Trạng nước ta.

Biết được bụng dạ của viên sứ, Vinh mỉm cười cầm cân và cho quản tượng dắt voi xuống mảng. Sứ Minh còn đang ngơ ngác thì thấy Vinh đã đo xong chiều cao của phần mảng bị chìm. Sau đó, Vinh sai lính dắt voi lên và xếp đá xuống. Khi mảng đã chìm sâu đến mức chở voi ban nãy, thì Vinh cho ngừng chuyển đá, và dùng cân, cân số đá trên mảng.

– Nước tôi chưa chắc có người hơn được tài quan Trạng. Xin bái phục! Xin bái phục!

***

Trong những ngày từ quan về nhà, Lương Thế Vinh càng muốn làm thêm nhiều việc có ích cho dân. Ngoài việc dạy học, ông thường gần gũi nông dân, quan tâm tới ruộng đất quê hương.

Một lần, ông chứng kiến một vụ tranh chấp đất ruộng suýt đổ máu vì đo đạc không chính xác, rõ ràng.

Tuy tuổi già sức yếu ông vẫn quyết tâm nghiên cứu cách đo đạc ruộng đất. Dân làng rất ngạc nhiên thấy một vị quan to về hưu, đầu tóc bạc phơ, cứ miệt mài lấy dây thừng làm thước, lúi húi đo đo, vẽ vẽ các thửa ruộng rồi cặm cụi biên chép, tính toán.

Qua một năm ròng vất vả, Lương Thế Vinh đã mày mò tìm ra các quy tắc tính toán. Trên cơ sở đó, ông viết cuốn Đại thành toán pháp, cuốn sách giáo khoa đầu tiên về toán ở nước ta. Sách trình bày cách tính diện tích của các hình phẳng. Sách còn dạy phép cửu chương, bình phương, khai phương, phân số,… Mỗi công thức toán học đều được ông làm thành một bài thơ cho người dân dễ nhớ, dễ học. Ông còn chế ra bàn tính đế khỏi phải tính nhẩm.

Lương Thế Vinh được nhân dân vô cùng yêu kính, gọi bằng một cái tên nôm na mà thân mật: Trạng Lường, tức là ông Trạng nguyên giỏi về đo lường.

Xem thêm