Người con gái đỡ đầu của Bác Hồ
Vào một buổi sáng mùa thu năm 1990, trong đoàn người vào thăm nhà sàn Bác Hồ có hai cha con người Pháp. Đó là ông Ô-brắc và con gái ông, chị Ba-bét, người con gái đỡ đầu của Bác Hồ.
Dừng chân hồi lâu bên nhà sàn, ông Ô-brắc bảo con gái:
– Đây là toàn bộ gia tài của người cha đỡ đầu của con đó, con có hiểu không con?
Những giọt lệ lăn trên má chị. Chẳng lẽ Bác Hồ – người cha đỡ đầu của chị – không có một cái gì khác ngoài căn nhà sàn đã đi vào huyền thoại về lối sông trong sáng, giản dị với vườn cây, ao cá và thiên nhiên xanh ngắt quanh mình. Điều khó tin nhưng có thật. Mới đó mà đã năm mươi tư năm trời…
Ngày ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang có mặt trên đất Pháp với tư cách là một thượng khách của chính phủ Pháp.
Ở trong toà lâu đài sang trọng, Bác Hồ cảm thấy không thoải mái vì không có vườn cây, thiếu hoa lá. Khi ông Ô-brắc đề nghị Bác đến ở tại ngôi nhà cổ kính của ông ở ngoại vi Pa-ri, Bác đã nhận lời dọn đến ở sáu tuần lễ.
Nơi đây, cứ chiều chiều sau giờ hội đàm, gặp gỡ với các chính khách. Bác Hồ thường dắt cháu Giăng Pi-e, bảy tuổi, con trai đầu lòng của ông bà Ô-brắc, đi dạo chơi khắp làng, thăm hỏi đời sống của bà con lao động, nói chuyện với ông lão trồng hoa, vui đùa với các em bé vùng ngoại ô. Có buổi trưa, ông Ô-brắc còn thây Bác Hồ đang cùng con trai ông nghỉ trưa thanh thản trên bãi cỏ trong vườn.
Chính trong dịp này, vào ngày 15 – 8 – 1946, gia đình ông Ô-brắc đón một tin vui mới: Cô con gái út vừa chào đời. Được tin này, Bác Hồ ngồi trên xe có hộ tống đến tận nhà hộ sinh chúc mừng bà Ô-brắc và cháu bé mới sinh. Bác Hồ đặt tên cho cháu bé là Ba-bét và nhận cháu làm con gái đỡ đầu của Người.
Từ ngày xa Pa-ri trở về nước, dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn luôn dành tình cảm cho con gái đỡ đầu Ba-bét. Tháng 6 – 1967, ông Ô-brắc được Hội đồng các nhà bác học thế giới họp ở Pa-ri nhờ chuyển đến Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức thông điệp. Gặp lại ông Ô-brắc giữa những ngày Hà Nội đang chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mĩ, Bác Hồ rất vui và không quên hỏi thăm về người con gái đỡ đầu của mình.
Ông Ô-brắc chuyển cho Người món quà mà chị Ba-bét nhờ gửi đến: một chiếc hộp vuông bên trong đựng một quả trứng được làm từ thứ đá quý. Theo chị Ba-bét thì “quả trứng đó là biểu hiện của sự sống, tương lai và sự hoàn hảo”. Cha đỡ đầu của chị là hiện thân của những điều đó. Khi chia tay, Bác Hồ gửi một tâm lụa nhờ ông Ô-brắc chuyên cho “con gái đỡ đầu của tôi để cháu may áo cưới”.
Hằng năm chị Ba-bét vẫn gửi thư đều cho Bác Hồ. Ngày Bác qua đời, cả gia đình ông Ô-brắc vô cùng thương tiếc. Bao nhiêu kỉ niệm, những món quà Bác gửi cho chị Ba-bét: bức ảnh nhỏ của Người, các con vật dễ thương bằng ngà, bằng sứ, tâm lụa để chị may áo cưới,… tất cả vẫn còn đấy. Và lần này, chị được sang thăm đất nước, thăm nơi ở, nơi làm việc của người cha đỡ đầu về tinh thần của mình…
Khi nghe chị thuyết minh nói rằng hai hàng ghế đá và bể cá vàng là nơi Bác Hồ thường dùng để tiếp các khách tí hon, chị Ba-bét nước mắt tuôn trào. Chị lặng lẽ ngồi xuống tâm ghế đá mát lạnh, mắt nhìn những con cá vàng tung tăng bơi lội trong bể, thả mình trong những hoài niệm không bao giờ quên về Người.
Ý nghĩa
Tình cảm mà Bác Hồ dành cho những người dân lao động Pháp nói chung, dành cho người con đỡ đầu (chị Ba-bét) nói riêng, cũng như những tình cảm mà chị Ba-bét dành cho Bác Hồ – người cha đỡ đầu về tinh thân của chị, là những tình cảm trong sáng, thuỷ chung, đáng quý, đáng trân trọng. Đó là những tình cảm “không biên giới”.